++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Bùi công tự: Quốc hội khóa XIII - và những thách thức

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

QUỐC HỘI KHÓA XIII - VÀ NHỮNG THÁCH THỨC



CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII CÓ MANG NỖI GÁNH NẶNG TRÊN VAI?
Bùi Công Tự

Nhân kết quả bầu cử QH khóa XIII vừa công bố, tôi muốn tâm sự đôi điều với các vị vừa đắc cử - những người đã được đa số nhân dân cả nước gửi gắm niềm tin qua lá phiếu của mình ngày 22/05/2011.

Tôi xin chân thành chúc mừng các vị. Các vị đã đạt được vinh dự lớn lao mà những người như chúng tôi có hoang tưởng cũng không dám mơ đến.

Nhưng đi cùng với vinh dự ấy là cả một trọng trách nặng nề mà các vị phải gánh vác trước Tổ quốc và Nhân dân. Ở cương vị tầm quốc gia của mình, chắc các vị đều nhận thức rõ điều này? Cho nên vui mừng đấy cũng là lo lắng đấy!

Cách đây 4 năm (năm 2007) Quốc hội khóa XII bắt đầu trong một không khí phấn chấn tràn đầy hy vọng. Bốn năm mới bấy nhiêu ngày, mà tình hình đã đổi thay quá nhiều. Quốc hội khóa XIII này sẽ bắt đầu với một tâm trạng nhiều ưu tư, lo lắng? Bởi vì đất nước ta lúc này đây đang phải đối diện với những thách thức khốc liệt, sống còn về bảo vệ độc lập chủ quyền và về công cuộc xây dựng phát triển. Tức là Quốc hội và từng vị đại biểu cũng phải đối diện với những thách thức khốc liệt ấy.

Nhưng theo tôi, điều đó chưa hẳn là không tốt. Trái lại nó sẽ làm cho Quốc Hội ta trưởng thành nhanh chóng hơn để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và thời đại.

Dưới đây tôi xin trình bày một cách khái quát nhất những thách thức, mà theo tôi, Quốc Hội khóa XIII phải vượt qua.

Thưa các vị, thách thức gay go nhất đối với chúng ta hiện nay là dã tâm xâm lược nước ta của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Dòng máu bá quyền Đại Hán cộng với cơn khát năng lượng ghê gớm đã biến Trung Quốc thành một đế quốc kiểu mới. Việt Nam với biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, nơi có vị trí địa lý chiến lược lại tiềm tàng nguồn năng lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ là mục tiêu đánh chiếm đầu tiên của chúng. Thủ đoạn của chúng ngày càng thâm độc, hành động của chúng ngày càng ngạo ngược.

Tất nhiên tôi không đánh đồng những người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình với những kẻ mang nặng tư tưởng bá quyền.

Nhiều năm qua, theo dõi hoạt động của Quốc Hội tôi nhận ra một số vị ĐBQH còn mơ màng với chiêu bài “phương châm 16 chữ vàng” và” nội dung 4 tốt”  mà những người cầm đầu Đảng CS Trung Quốc đem ra lừa phỉnh. Một đảng đã dã man sát hại cả những lãnh tụ trung kiên của mình (như Vương Minh, Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu và rất nhiều người khác) thì làm gì có tình nghĩa với các “đồng chí” Việt Nam?  Đích danh nó là “kẻ to xác xấu tính”!

Như vậy Quốc Hội khóa XIII mà các vị là thành viên  có nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là chặn đứng âm mưu xâm lược nước ta của nhà cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.

Nếu Quốc Hội tin tưởng ở nhân dân, đoàn kết được nhân dân thì tôi tin rằng Quốc Hội sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.

Thách thức thứ hai đối với Quốc Hội khóa XIII, theo tôi, là một nền kinh tế nhiều yếu kém. Lợi nhuận rất thấp từ các Tập đoàn kinh tế nhà nước, có Tập đoàn thực chất phá sản như Vinashin. Nợ nước ngoài cao, nhập siêu lớn, công nghiệp không đồng bộ… Dẫn đến lạm phát hiện nay đang ở mức trầm trọng, giá cả tăng chóng mặt, đe dọa đời sống người lao động và dân nghèo. Điều đó có phần nào ảnh hưởng từ sự bấp bênh của kinh tế thế giới nhưng nguyên nhân chủ yếu là” tại ta”. Đó là sự yếu kém trong quản lý nhà nước, sự vô nguyên tắc, thiếu hiểu biết, thiếu minh bạch, chỉ thấy lợi trước mắt, nạn tham nhũng và coi thường pháp luật của chính những người cầm cân nẩy mực.

Đó cũng là nguyên nhân làm cho các ngành văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế…cứ mãi lạc hậu, gây bao bức xúc trong nhân dân.

Nhà nước và nhân dân hàng năm đã phải chi khoản tiền khổng lồ cho giáo dục mà con cái chẳng học hành được mấy kiến thức. Đã xảy ra cái gọi là “tỵ nạn giáo dục”, dẫn đến hàng tỷ USD chảy ra nước ngoài.

Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể bị hủy hoại, lu mờ. Văn học nghệ thuật nhạt nhẽo, học mót nước ngoài một cách ngô nghê, lệch lạc. Đáng lo ngại hơn là tình trạng tha hóa của đạo đức xã hội.

Liệu Quốc Hội khóa XIII có thay đổi được tình thế? Đây là gánh nặng thứ hai trên đôi vai các vị, thưa các vị Đại biểu QH!

Vậy để mang nổi gánh nặng lịch sử ấy trên vai, QH khóa XIII phải như thế nào? Câu trả lời ở nơi 500 nghị sĩ của chúng ta.

Về phần tôi, một công dân, đã suy nghĩ thì lại cứ muốn nói ra. Tôi xin bạn đọc một hai phút để trình bày những mong mỏi của mình với QH của chúng ta.

Trước hết tôi mong muốn Quốc Hội khóa XIII thật sự là Quốc Hội mạnh. Đó là một Quốc Hội khẳng định vị thế quyền lực cao nhất của mình.

Mạnh cũng tức là dám quyết. Không phải là những quyết định thông thường mà là những quyết định chưa từng có. Ví dụ quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm như nghị viện các nước văn minh hơn ta vẫn làm (Nhật Bản chẳng hạn).

Tôi cũng mong muốn Quốc Hội khóa XIII là một Quốc Hội trí tuệ. Không phải tôi mơ có thêm 500 Ngô Bảo Châu mà đơn giản là tôi muốn bớt đi những nghị sĩ bấm nút theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, những nghị sĩ phát ngôn như quý ông có câu nói “nổi tiếng” về chỉ số IQ hồi nào. Đơn giản là tôi mong tất cả các vị đại biểu đều thạo Internet, chịu đọc blog và đủ kiến thức để nghe phản biện xã hội, định hướng cho những quyết định của mình.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội!

Tôi xin trân trọng chuyển đến Quốc hội khóa XIII thông điệp sau đây:

“Từ chỗ được coi là lương tâm của thời đại, giờ đây danh dự của người Việt Nam đang bị hạ thấp trước con mắt của thế giới, bởi sự kém cỏi và những thói hư tật xấu của nhiều người chúng ta, cùng những hệ lụy của nó”.

Năm năm cho một khóa Quốc hội.
Năm năm cũng đủ thời gian cho những thay đổi.
Các vị ĐBQH đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Hãy đồng hành cùng nhân dân, nghĩa là hãy lên đường (và cả xuống đường) cùng nhân dân ta!

TP HCM, ngày 06 tháng 06 năm 2011

Bùi Công Tự

------------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này