++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Nguyễn Trãi có nhầm không?

Vũ Bình Lục
 
Về nhân vật Triệu Đà, sử sách viết cũng nhiều. Sử Tàu và cả sử ta đều chép. Mà lời bàn và cả thái độ đối với nhân vật lịch sử này thật cũng đa dạng, lại mỗi thời mỗi khác. Cho đến tận bây giờ, Triệu Đà vẫn còn đang sống đó với đủ lời khen chê. Nghe nói một thời Triệu Đà còn được đặt tên đường hẳn hoi tại Hà Nội, lại còn có cả đền thờ rất hoành tráng tại Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, quê vợ ông là bà Trình Thị, hiện giờ chính là đền thờ vị tổ nghề chạm bạc nổi tiếng Đồng Sâm. Triệu Đà được cho là người có công bảo tồn được tộc Âu Việt và Lạc Việt, sau gọi chung là Âu Lạc, không bị Trung Hoa đồng hoá, trong khi rất nhiều tộc Việt khác, gọi chung là Bách Việt, vốn là chủ nhân vùng đất phì nhiêu từ phía nam sông Dương Tử trở xuống, đã bị người Hán dần dà nuốt chửng. Thời Tần, Triệu Đà từng làm chủ một vùng đất đai rộng lớn ở phía Nam Trung Quốc, có lần xưng đế , muốn độc lập. Nhà Tần nghe tin, sai tướng đem binh mã đến đánh. Triệu Đà lượng sức không địch nổi, phải đầu hàng, nhưng trong bụng vẫn ngầm tìm kế thoát khỏi sự ràng buộc với nhà Tần. Không còn đường tiến lên phương bắc, ông ta tính kế tiến dần xuống phương nam, dùng kế hiểm đánh bại An Dương vương, chiếm nước Âu Lạc. Sử ta bây giờ cho rằng Triệu Đà là kẻ xâm lược, điều đó là đúng rồi. Nhưng nhìn ở góc độ khác, rộng hơn, có ý kiến cho rằng Triệu Đà, nói gì thì nói, ông ta cũng là dân Bách Việt (dẫu không là Lạc Việt), lại có công bảo tồn được Âu Lạc, mới có Đại Việt sau này. Công ấy và tội ấy, xem ra cần phải được minh định một cách khách quan, công bằng và khoa học, tránh những yêu ghét riêng tư làm sai lạc sự thật lịch sử. Việc này, đương nhiên phải nhờ đến mồ hôi, trí lực và bản lĩnh của các nhà làm sử!
 Đấy là nói về lịch sử. Tôi không phải là “dân sử”, chỉ là kẻ yêu sử thôi. Thế còn Triệu Đà trong văn ta thế nào? Bách Việt trong văn ta thế nào?, xin nêu vài trường hợp tiêu biểu để mọi người cùng suy ngẫm...

 Trước hết là Trương Hán Siêu (?-1354), một vị đại quan danh tiếng của triều Trần, tác giả bài Bạch Đằng giang phú nổi tiếng. Mở đầu, tác giả viết: Khách có kẻ: 

Giương buồm giong gió chơi vơi 
/ Lướt bể chơi trăng mải miết 
/ Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương 
/ Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt 
/ Cửu Giang, Ngũ hồ, Tam Ngô, Bách Việt 
/ Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết
/ Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều 
/ Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết
/ Bèn giữa dòng chừ buông chèo 
/ Học Tử Trường chừ thú tiêu dao 
/ qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều 
/ Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chèo 
/ Bát ngát sóng kình muôn dặm 
/ Thướt tha đuôi trĩ một màu 
/ Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu
/ Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu 
/ Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô 
/ Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu
/ Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá 
/ tiếc thay dấu vết luống còn lưu”…

 Một đoạn phú mở đầu, chỉ thấy những địa danh, toàn là địa danh và nhân vật thuộc Bách Việt ngày xưa, phần lớn nay thuộc về Trung Quốc và một số địa danh của ta bây giờ. Người xưa sáng tác thường lấy điển cố từ sách vở bên Tàu, cho sang trọng văn chương. Nhưng tôi vẫn ngờ rằng cụ Trương Hán Siêu không hẳn chỉ có cái ý ấy! Nghĩa là cụ Trương có “làm văn” một tý, nhưng cụ chỉ kể những danh lam thắng cảnh ở Bách Việt thôi, mà Đại Việt ta chẳng phải Bách Việt hay sao?

 Đến thời Nguyễn Trãi (1380-1442), nhà Triệu (Triệu Đà) lại được nhắc đến một cách trang trọng, như một triều đại, một quốc hiệu khởi đầu của Đại Việt. Mở đầu Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “ …Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác / Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có!”…

 Sách giáo khoa phổ thông trung học trước đây, khi chú thích về chữ “Triệu” đáng ngờ này, Giáo sư Bùi Văn Nguyên với bản dịch của mình (Thực ra là chỉnh lý thêm bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trước đó) đã chú thích: Có thể Nguyễn Trãi nhầm! Đương nhiên, GS Bùi Văn Nguyên vẫn chưa khẳng định là Nguyễn Trãi nhầm. Còn sách giáo khoa lớp 10-Nxb Giáo dục, nộp lưu chiểu tháng 1-2010, không thấy chú thích chữ “Triệu” nữa. Thế là cứ tạm thời cho qua, tạm thời lờ đi thôi, bởi vì xem ra cũng thật khó cho người làm sách, mà lại là sách giáo khoa chứ chả chơi! Sai một tý là ông Tổng về đuổi gà ngay lập tức. Vậy thì cứ lờ đi là thượng sách chứ còn biết làm thế nào!

 Nhưng tôi lại ngờ rằng Nguyễn Trãi không nhầm đâu. Đã đành rằng một thiên tài cũng có đôi khi nhầm lẫn, nhưng một bộ óc trác việt như Nguyễn Trãi, có lẽ không nhầm! Nguyễn Trãi chỉ nhầm khi quá tin tưởng vào tấm lòng yêu nước thương dân trong sáng của chính ông, nên mới sa lưới ác độc của lũ quỷ ma, để chuốc lấy hoạ tru di mà thôi. Và đó chính là một lần nhầm lẫn duy nhất, cuối cùng và vô cùng đáng tiếc. Nam Việt trước đây của thời Triệu Đà, bên trong thực chất vẫn là một quốc gia độc lập, sau này mới bị người phương Bắc cướp mất. Vậy Nguyễn Trãi kể tên các quốc hiệu, khởi dầu là Triệu, có lẽ chẳng phải là một sự nhầm lẫn nào hết. Một người anh hùng trong tuyên cáo về  việc đánh  dẹp giặc Ngô (viết thay Lê Lợi) dám dõng dạc chửi thiên tử ngoại xâm là “thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng”, lại còn so sánh cái tương quan lịch sử giữa ta và địch, tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có. Giọng văn Nguyễn Trãi phơi phới hào sảng, rung động lòng người gần sáu trăm năm nay, sao không thấy ai dám bỏ chữ Triệu đi? Bởi đó là nguyên tác chăng? Bởi đó chính là sự thật lịch sử chăng?

 Nhà bác học thông thái đến như Lê Quý Đôn sau đó mấy trăm năm, khi viết về Nguyễn Trãi, chỉ thấy Lê Quý Đôn khen văn chương Nguyễn Trãi có sức mạnh hơn mười vạn quân, chứ chẳng thấy ông ấy bảo Nguyễn Trãi nhầm bao giờ. Không tin, quý vị cứ đọc lại Lê Quý Đôn mà xem!

 Khoảng ba bốn năm trước, khi đọc tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, kẻ viết bài này có thấy bài viết công bố tư liệu về triều đại Quang Trung, trong đó có tư liệu về chỉ dụ của vua Quang Trung sai Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh, trong đó có ý dặn ba điều quan trọng: 1:Xin cưới công chúa nhà Thanh làm vợ Quang Trung,( còn ghi rõ là để chọc chơi) ,  2: Gợi ý đòi lại Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) vốn là đất xưa của người Việt, 3: Thăm dò đường bộ, chuẩn bị đối phó khi cần thiết. Tiếc rằng chuyến đi sứ cuối cùng của triều đại Quang Trung không thực hiện được. Đại Đô đốc Chánh sứ Vũ Văn Dũng phải vội quay về Phú Xuân hy vọng vực lại nhà Tây Sơn, nhưng quá muộn. Người ta còn nghi ngờ chiếc áo mà Càn Long tặng Quang Trung (giả) đã bị tẩm thuốc độc. Tôi thì ngờ rằng Quang Trung (thật) mặc cái áo Càn Long tặng, nên mới chết nhanh như vậy, vì trước đó một vài sứ thần ta đã từng “đội ơn” kiểu ấy rồi. Những chuyện này sau đó mới kịp nhận ra. Nhà Thanh có thể giết sứ giả Giang Văn Minh anh hùng lẫm liệt đáng kính của ta bằng cách mổ bụng xem gan to mật lớn thế nào, sao không có thể biết cách giết đối phương bằng quà tặng, bằng hoa quả ngọt ngào? Chưa tin, thì quý vị cứ đọc lại tài liệu mà xem!

 Thế thì Nguyễn Trãi có nhầm không? Đó là câu hỏi cho các nhà làm sử, làm sách giáo khoa, và cho tất cả chúng ta. Đành rằng trong quan hệ bang giao với anh bạn láng  giềng “bốn tốt”, chúng ta muốn còn phải thêm nhiều “tốt” nữa, nhưng đâu họ có thực lòng. Một anh nhà nghèo, cố gắng mãi mới giữ được tý đất cắm dùi cho con cháu, ở bên một “đại gia” nghìn mẫu, chỉ muốn lão hàng xóm để mình yên ổn thôi, nên mới phải nhún nhường. Còn lão đại gia kia thì ngày đêm nung nấu mưu đồ xẻo thịt anh hàng xóm hiền lành, rồi cắm lại hàng rào cho rộng thêm ra, ai mà chịu nổi?

 Trên đây là đôi dòng tản mạn về mấy điều còn băn khoăn chứa chất trong lòng của kẻ thường dân, mạo muội lạm bàn, xin quý vị cao minh và bạn đọc chỉ giáo thêm cho!
      Hà Nội 30-6-2011

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này