Nguồn: Blog Gocomay
Đăng ngày: 10:05 08-08-2011
Đình Đụn-Lai Xá, nơi An Sinh Vương Trần Liễu (Thân Phụ Hưng Đạo Vương) tổ chức luyện binh - Ảnh: Phạm Thành
Làng quê tôi thật may mắn có 3 người được phong danh hiệu nghệ nhân trong số 47 nghệ nhân đợt đầu tiên của cả nước vừa công bố vào đầu tháng 7/2011 này! (*)Chả biết tiền bạc kèm theo danh hiệu được bao nhiêu mà thấy chú em Nguyễn Văn Nhật (ông ngoại Nhật, cụ Lang Kiệu là chú ruột của Thầy tôi, mặc dù Nhật lớn hơn tôi gần chục tuổi mà vẫn phải gọi tôi là anh) đã sắm một cái lễ rõ thịnh soạn tới thắp hương tưởng nhớ tới Thầy tôi, người đã có công dạy nghề chấm sửa ảnh (Retouche), để Nhật trở thành “kẻ cả trong làng người sang trong nước” như bây giờ. Anh trai tôi báo với tôi qua điện thoại viễn liên quốc tế tin đại hỷ này!Ngoài Nhật ra hai người nữa đều là anh họ cùng bản chi, bản cánh với tôi là các anh Phạm Thành và Phạm Đăng Hưng. Ở quê tôi xưa có cái lệ rất hay là, nếu nhà có việc hiếu, chưa cần chủ nhà báo chỉ cần biết tin thôi, là anh em bản cánh với nhau, tự tìm đến cùng gia chủ bàn bạc lo hậu sự, tiếp khách. Kể cả lúc cháy cỗ, chịu đói chứ không hề kêu ca phàn nàn bao giờ. Đó chính là những người được mệnh danh là “anh em khó nhọc”! Anh Thành và anh Hưng là hai người anh gần gũi với gia đình chúng tôi như thế!
Nghệ sĩ Phạm Thành bên chiếc máy ảnh thời cổ - Ảnh: Hoàng Kim Đáng
Thời còn học ở Trường Điện ảnh, các bài tập ảnh của tôi bao giờ cũng đứng hàng đầu trong lớp, cũng là nhờ anh Thành bày giúp cách pha thuốc cách che chắn thêm bớt ánh sáng khi phóng ảnh... để có một bức ảnh như ý. Anh Thành mấy chục năm liền làm buồng tối ở Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Những tấm ảnh đen trắng khó khăn nhất, các đồng nghiệp chịu bó tay thì anh mới ra tay sử lý! Anh được làng nghề phong cho danh hiệu “vua buồng tối” là lý do đó. Ngoài khả năng chuyên môn anh còn là một cây hài hước có tiếng. Mồm mép của anh có lẽ trong họ không ai có thể bì được. Cũng nhờ tài ngoại giao quan hệ của anh mà việc làm hồ sơ công nhận làng nghề cho Lai Xá cũng có nhiều mau mắn hanh thông.Ngược lại với tính cách năng nổ của anh Thành, anh Hưng lại nổi tiếng nhu mì. Tính cách cũng phản ánh cái nghề chăng? Có thể lắm chứ. Cũng có thể gần ngang ngửa với thầy tôi về môn chấm sửa ảnh. Anh Hưng đã được Đài truyền hình Hà Nội làm cả một bộ phim tài liệu với cái tên “nghề khó”. Lúc đó thầy tôi đã khuất núi. Bộ phim được nhiều khán giả màn ảnh nhỏ cả nước đón nhận và thán phục một Phạm Đăng Hưng (PĐH) không chỉ là nghệ sỹ chơi đàn violon trong giàn nhạc giao hưởng có tiếng ở Hà Thành từ thời Pháp thuộc. Còn biết thêm một PĐH với bàn tay vàng Retouche - sửa ảnh!
Nghệ nhân Phạm Đăng Hưng đang chấm sửa ảnh (2003) - Ảnh: Hoàng Kim Đáng
Cuối năm Ất Dậu (2005-đầu 2006) từ Đức bay về Lai Xá cùng anh chị em trong gia đình tu sửa hai ngôi mộ cho song thân tôi, thấy cái ảnh của Thầy tôi, người được mệnh danh “nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dương” về nghề chấm sửa ảnh (**) của làng nổi tiếng từ trước 1945 mà tấm ảnh sứ gắn trên bia đá lại bị các tay Retouche hiện đại thời Photoshop làm nhẵn thín chả còn chút nếp nhăn nào trên mặt khiến tôi không cầm được nước mắt! Tôi phải mang tấm hình cấp tốc tới gặp anh Hưng nhờ anh sửa lại. Chả là Thầy tôi, với thâm niên ngót 60 năm ngồi kỳ khu chấm ảnh, từ lúc trai trẻ 13 tuổi rời làng quê ra tỉnh... cho tới ngoài 70, lúc thay áo (bốc mộ) các đốt sống lưng của Thầy tôi, do ngồi cặm cụi nhiều... đã dính liền nhau như một cây gậy trúc đen nhánh, gây khó khăn vô cùng cho việc xếp cốt vào tiểu sành.Tôi nhớ lúc cụ Uyển (tên Thầy tôi) đã nghỉ hưu rồi mà ông trưởng phòng nhiếp ảnh của Tổng cục Hậu cần (Số nhà 18 phố Cửa Đông Hà Nội) còn tới tận nhà cạy cục thỉnh bằng được ông cụ tới làm theo diện hợp đồng hơn chục năm nữa. Hơn nửa thế kỷ làm bạn với ngọn bút lông và một miếng kính, đã có biết bao tấm hình đủ loại của những “dáng Kiều thơm” (Quang Dũng) đất Kinh kỳ hay các bậc vua quan đầu triều từ thời Bảo Đại tới thời Hồ Chí Minh đã được nhuận sắc bởi bàn tay vàng của ông cụ. Nhưng nào đã mấy ai biết tới. Thầy tôi chỉ thực sự ngưng làm việc (chấm sửa ảnh) khi không có loại bất kỳ số kính lúp nào trợ giúp được cho công việc để cụ hành nghề nữa... mới thôi.Tên của Thầy tôi cũng được tác giả Hoàng Kim Đáng nhắc tới trong cuốn sách bìa cứng: “Lai Xá Làng Nhiếp Ảnh” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (Sự Thật) ấn hành vào năm 2004. Thế cũng vui rồi, cứ gì phải bảng vàng bia đá chốn ba quân.
Cách đây mấy tuần có chị trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ ở một tờ báo lớn thuộc tốp hàng đầu trong nước gửi cho Gocomay cái còm xin được đăng một bài của tôi viết về chuyện phong danh hiệu nghệ sỹ đang tốn biết bao giấy mực và sự quan tâm của dư luận. Mừng qúa đi chứ! Được các toà báo chính thống để mắt tới, blogger tay ngang nào mà chả xúc động. Mình đồng ý cả hai tay, chí ít cũng nhắn gửi tới các đồng nghiệp từng gắn bó một thời rằng, cái thằng tha hương lang bạt kỳ hồ này vẫn luôn dõi theo từng bước đi của các bạn. Không ngờ bài báo vừa ra mắt đã có thằng cháu họ cựu phóng viên (đã nghỉ hưu) ở chính tờ báo đó nhận ra ngay ông chú mấy chục năm xa cách của mình. Rồi lại được tin biết bao anh chị em trong ngành cũng để mắt tới bài viết! Thử hỏi có phần thưởng nào hơn? Thế mới biết trời chẳng bao giờ phụ lòng người. Nếu người thực sự có tâm với quê hương xứ sở thì chả đứa hóng hớt rách việc nào có thể bôi bác, xiên sẹo mãi được.Trở lại chuyện các “danh nhân của làng”! Anh Thành có đứa con gái áp út sang Đức thăm con trai vừa tốt nghiệp Đại học khoa Công nghệ Thông tin. Hai mẹ cháu cuối tuần lên thăm ông trẻ. Ra ga đón cháu trễ mất mấy chục phút, để các cháu phải chờ, cứ thấy áy náy mãi. Chú cháu với nhau nhưng cháu Hương (con anh Thành) chỉ kém tôi đúng 3 tuổi. Gặp cháu lần cuối từ hồi cháu sơ tán về quê (thập niên 60), lúc cháu còn quàng khăn đỏ tới trường. Nay cháu đã sắp nghỉ hưu. Chú cháu ông cháu gặp nhau mừng khôn xiết. Ôn lại biết bao kỷ niệm về quê hương. Lúc đó mới hỏi cặn kẽ được chuyện “danh nhân của làng”. Cháu thực thà khai báo, năm nay bố cháu (anh Thành) đã ngoại bát tuần rồi. Nhận được danh hiệu nghệ nhân làng nghề do nhà nước phong cả nhà ai cũng vui. Nhưng chỉ có mỗi tấm bằng không hơn không kém. Người ta bảo bố cháu đã có lương hưu nên không có tiền kèm theo nữa. Hai chú Hưng và Nhật không có lương hưu trí nên mỗi người được nhận 500.000 VNĐ kèm theo danh hiệu. Hôm đi nhận bằng cháu phải bỏ ra 350.000 mua lẵng hoa tặng mừng bố cháu để bố cháu vui...
Cháu Hương con gái anh Thành tới thăm nhà Gocomay hôm chủ nhật - 07.08.2011 - Ảnh: Nhất Dương
Câu chuyện cháu Hương kể làm tôi cứ day dứt mãi suốt từ lúc tiễn hai mẹ con cháu ra về tới giờ. Nay tĩnh tâm ghi lại những dòng này để mọi người cùng chia xẻ. Nghĩ gì là quyền của mỗi người. Nhưng tôi cứ băn khoăn mãi chuyện chú Nhật nhận được có nửa triệu bạc, phải khao biết bao người làng tới ăn mừng (chắc khá tốn kém). Lại vẫn sắm cái lễ dâng lên vong linh Thầy tôi, để tỏ lòng tri ân người thiên cổ... mà mấy ai đã thấu hết sự đãi ngộ của nhà nước lại qúa bèo như vậy.Có lẽ như phương ngôn ví “một miếng giữa làng bằng một xàng xó bếp” nên chẳng ai lại dám kêu ca than phiền gì. Nhưng trong lòng tôi vẫn cứ bứt dứt khôn nguôi. Còn nơi suối vàng, Thầy tôi và các bạn bè anh em của cụ (không còn biết tiêu tiền) cũng ngậm cười và hãnh diện với những đứa cháu biết ăn ở vuông tròn của mình?!Gocomay___(*) Phong tặng danh hiệu cho 9 làng nghề tiêu biểuNgày 2.7, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Làng nghề tiêu biểu cho 9 làng nghề, gồm: Làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh); làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội); làng nghề mây tre đan Phong Cảnh (Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An); làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội;) làng nghề mộc Vạn Điểm (Hà Nội); làng nghề gốm Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long); làng mộc Kim Bồng (tỉnh Quảng Nam) và làng lồng đèn Hội An (tỉnh Quảng Nam).Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đã phong tặng danh hiệu cho 47 nghệ nhân làng nghề, 22 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 26 sản phẩm tinh hoa làng nghề và trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam cho 27 cá nhân nhằm khích lệ, ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân, các doanh nghiệp làng nghề, các cá nhân trong sự phát triển của nghề thủ công truyền thống của Việt Nam trong thời gian qua.V.C
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét