++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Thư ngỏ của một công dân ngoài Đảng gửi Tổng bí thư

Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra toàn quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên tòan quốc vào năm 2008. Vì nhân đạo mà Liên Xô trước đây đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Thưa Ông Tổng Bí thư, 

Tôi là Lê Phú Khải, một công dân ngoài Đảng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày cầm bút viết thư cho Ông Tổng Bí thư Đảng độc tôn cầm quyền. Song, những gì diễn ra trên đất nước của chúng ta những ngày qua khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên, suy nghĩ đến thức trắng nhiều đêm.

Đó là cơn bão ô nhiễm môi trường do công ty Vedan gây ra còn nóng bỏng dư luận cả nước thì một tin kinh hòang lại ập đến là khai thác bauxite ở Tây Nguyên trên diện rộng và thời gian lâu dài. Tôi càng đau đớn hơn khi được đọc các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn và đặc biệt gần đây là bài của nhà văn Phạm Đình Trọng (gây tiếng vang lớn) về thảm họa khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Tôi được biết, từ xưa đến nay Đảng cầm quyền vẫn nêu khẩu hiệu: "Ý Đảng lòng Dân". Nay những người được tuyệt đại đa số nhân dân rất yêu qúy, kính trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyên Ngọc cả cuộc đời gắn bó với Tây Nguyên . . . đều phản đối mạnh mẽ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. 

Rõ ràng trong việc này, ý Đảng không hợp với lòng Dân. Từ trước đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam làm được điều gì đều là do được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Nay một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có liên quan đến sinh mạng của đất nước, đến sự tồn vong của giống nòi, của dân tộc lại không được sự đồng thuận của nhân dân thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với cả Đảng cầm quyền và đất nước.

Tôi nghĩ rằng trong quá khứ, lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản là chính đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhưng với hiện tại và tương lai thì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là một định mệnh. Nếu một đường lối, chủ trương lớn của Đảng mà từ Đại tướng đại công thần của chế độ như Võ Nguyên Giáp đến người dân bình thường lại không đồng thuận thì dù có một ngàn lần đưa sự lãnh đạo của Đảng vào điều 4 Hiến pháp cũng vô nghĩa!

Chính vì lẽ đó, với tư cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn.

Trước đây, cải cách ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng nhưng khi thấy sai, Đảng đã sửa sai, được nhân dân tha thứ và đồng tình. Nay theo tôi, vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo. 

Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra tòan quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên tòan quốc vào năm 2008. Vì nhân đạo mà Liên Xô trước đây đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vậy mà . . .

Thưa Ông Tổng Bí thư, trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789 có một câu nói nổi tiếng của Marat được truyền tụng khắp châu Âu: Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống (On est grand, parce - que vous vous mettez à genoux) Dân tộc chúng ta từ khi lập nước chưa bao giờ tự cho mình là bé nhỏ. Chính vì thế nước ta xưa kia mới có tên là nước Đại Việt và giữ được nước đến hôm nay. Khi thực dân Pháp cai trị nước ta, với dã tâm làm yếu hèn ý chí tự cường của thanh thiếu niên, chúng đã sọan sách giáo khoa dạy rằng: "Nước ta hình cong như chữ S, nằm khiêm tốn bên bờ biển Thái Bình Dương!" Nhưng trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã chôn vùi thói tham tàn của thực dân Pháp xuống bùn đen vạn kiếp.

Tổ quốc Việt Nam vĩ đại của chúng ta đời đời bất diệt. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Không kẻ nào có thể bắt Việt Nam phải "khiêm tốn" làm bãi thải rác cho họ!

Tôi có bấy nhiêu lời gan ruột của một công dân nước Việt gửi đến Ông Tổng Bí thư. Kính chúc Ông sức khỏe.

Về tác giả: Sinh năm 1942 tại Hà Nội, ông Lê Phú Khải được độc giả trong nước biết đến qua những trang viết về đồng bằng sông Cửu Long. Tác phẩm chính: Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ đồng bằng Sông Cửu Long, Rắn độc trong tay người, Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long. Lá thư này viết ngày 18.3.2009.
------------------------------------------
Nhà báo Lê Phú Khải và những trang viết về ĐB Sông Cửu Long
Nguồn: Tiengiang.gov.vn

Nhà báo Lê Phú Khải sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông từng là giáo viên dạy văn, tình nguyện vào miền Nam công tác rồi trở thành phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói VN tại Tiền Giang. Ông sống gắn bó với vùng đồng bằng sông Cửu Long hơn 20 năm và ông đã có những trang viết sâu sắc về tính cách con người và cảnh sắc, văn hóa của vùng đất này. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm báo chí về vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ đồng bằng Sông Cửu Long, Rắn độc trong tay người, Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long, Sống chung với lũ. Ông là nhà báo chịu khó đi và lăn lộn với thực tế nên những trang viết của ông nóng hổi chất hiện thực. Đa số tác phẩm báo chí của ông là bút ký. Bút ký của Lê Phú Khải thường đề cập đến những sự kiện bức xúc của đời sống được thể hiện bằng ngôn ngữ văn học giàu hình ảnh. Qua mỗi tác phẩm báo chí, tác giả bao giờ cũng bộc lộ chính kiến và quan điểm của mình về cái đúng, cái sai, về chân lý của đời sống.

 Viết về tính cách và cuộc sống của con người vùng Đồng Tháp Mười, Lê Phú Khải không chỉ thể hiện vẻ đẹp của tính cần cù, chất phác, giàu nghĩa tình của con người mà ông còn khám phá vẻ đẹp lãng mạn và chất thơ trong mỗi số phận vô danh, bình dị. Trong bài ký: Hoa hậu Đồng Tháp Mười Lê Phú Khải viết: Thì ra Đồng Tháp Mười hội tụ về đây không chỉ có rừng khóm, rừng tràm mà còn cả tình yêu và thơ ca. Hình như chỉ có những người thuộc nhiều thơ mới trụ được ở Đồng Tháp Mười hoang vắng

Nhiều người trong giới nhà báo từng gọi Lê Phú Khải là chuyên gia về vùng Đồng Tháp Mười. Quả đúng như vậy. Các bài ký của ông không chỉ hàm chứa thông tin của hiện thực cuộc sống mà còn bộc lộ sự nghiền ngẫm và sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về con người và văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đọc những tác phẩm báo chí của ông về vùng đồng bằng sông Cửu Long, người đọc sẽ khám phá những điều bất ngờ thú vị về vùng đất giàu tiềm năng này.
V.T.C
------------------
*****


1 nhận xét:

  1. Chúng tôi đang cần 14 vị trong BCT còn nghĩ đến lương tri. Bánh xe lịch sử vẫn quay; vẫn còn quay mãi; nó sẽ nghiền nát những trở lực với nó. Bánh xe lịch sử ấy không phải một mình tôi vần được hay mình ông NTD vần được; không phải chỉ có gần 90 triệu người dân VN này vần nó mà là toàn bộ nhân loài này vần nó. Các vị cứ nghĩ bưng bít được thông tin; xóa được dấu vêt; nhưng chỉ cần vài chục năm sau, con cháu các vị cầm tài liệu lịch sử trên tay, nó sẽ nghĩ gì về thế hệ đi trước? Tần Thủy Hoàng có tạo ra một mạng lưới bảo vệ tưởng như vạn đời không phá được, nhưng cũng có giữ mãi được đâu. Còn thời nay, tốc độ phát triển mọi mặt càng ngày càng nhanh. Bánh xe Lịch sử cũng phải quay theo tốc độ đó, nên chế độ nào có nhiều ưu việt thì chế độ đó tồn tại được lâu. Tôi chỉ là một anh dân quèn, tôi chỉ muốn cơm no, áo ấm. Các vị hãy để cho tôi được hưởng những gì chúng tôi đáng được hưởng như trong Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ đã nêu.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này