++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Nhức nhối vụ CSCĐ 'oánh' CSGT: Giải quyết vấn đề từ trong bộ máy

Nguồn: SGTT.VN

Vài hình ảnh 'sưu tầm' từ Internet: 

 
Giải quyết vấn đề từ trong bộ máy 

SGTT.VN - Các hình ảnh một viên trung uý cảnh sát cơ động ẩu đả với một thượng sĩ cảnh sát giao thông ngay giữa đường phố, được phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông mấy ngày nay, trông rất xấu, đúng hơn là nhếch nhác và đáng xấu hổ.
 
Cảnh xô xát giữa trung úy cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc (trái) và thượng sĩ CSGT Văn Thành Luân trong video clip. Ảnh: cắt từ clip

Đặt sự việc bên cạnh những vụ tấn công nhân viên công lực xảy ra trong thời gian gần đây, mà nhân vật chính là quan chức nhà nước, có thể ghi nhận hiện tượng coi thường pháp luật nơi này, nơi nọ ở thành phần xã hội, trên lý thuyết, phải là tấm gương về sự tôn trọng pháp luật, chuẩn mực trong xã hội có tổ chức. 

Hiện tượng này có nguy cơ tạo ra tác động xã hội tiêu cực kép. Một mặt, nó làm cho diện mạo xã hội của người làm quan bị méo mó trong mắt người dân thường. Được hình dung về mặt lý thuyết là con người lịch lãm, uy nghi, xứng đáng nắm giữ quyền lực công để quản trị xã hội và thực hiện sứ mạng gìn giữ trật tự, kỷ cương, các ông quan trong các câu chuyện chống người thi hành công vụ lại thể hiện dáng dấp ngang tàng, hoang dã của phần tử quen sống ngoài vòng luật pháp. 

Sự nhập vai kẻ côn đồ của một người mang danh quan chức ở nơi công cộng giữa thành thiên bạch nhật có thể khiến cho xã hội bị mất phương hướng trong việc phân biệt tốt và xấu, thiện và ác, lương thiện và bất lương. Từ đó con người dễ đứng trước nguy cơ lẫn lộn, ngộ nhận trong việc xác định chân tướng, nhân cách, phẩm hạnh của người cùng giao tiếp trong quan hệ xã hội. Mức độ nguy hiểm của cuộc sống trong không gian chung sẽ tăng cao. 

Mặt khác, nó cho thấy trong khung cảnh xã hội hiện tại, các vị trí trong bộ máy bảo đảm thực thi pháp luật cũng dễ sa vào tình trạng tuỳ tiện trong việc dùng vũ lực khi thực hiện công vụ, đồng thời dễ bị tấn công và dễ bị tổn thương. Đáng lý ra, được coi là chỗ dựa của xã hội trong việc gìn giữ trật tự và bình ổn cả về phương diện sinh hoạt công cộng và cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân, các vị trí ấy phải tỏ ra vừa điềm tĩnh, đúng mực, vừa kiên cố, có sức mạnh, có khả năng tự bảo vệ và khả năng trấn áp hữu hiệu chống mọi hành vi quấy nhiễu, phá hoại. Thành trì ấy mà cũng bị xâm hại dễ dàng, thì chắc chắn chẳng còn ngôi nhà nào, nơi chốn nào ở đó con người được bình yên. 

Trong một không gian sống có quá nhiều rủi ro, người ta tự nhiên sẽ có xu hướng bộc lộ và phát huy khả năng tự vệ theo triết lý sống sơ cấp ích kỷ “hồn ai nấy giữ”, “đèn nhà ai nấy sáng”. Thái độ dè chừng, ngán ngại không dám can thiệp của tất cả những người chứng kiến cuộc ẩu đả giữa viên sĩ quan cảnh sát cơ động mặc thường phục và viên cảnh sát giao thông, như được ghi nhận trong clip video phát trên mạng internet, là một minh chứng.

Vả lại, một khi nhận thấy luật pháp bị vùi dập, chà đạp công nhiên và phổ biến, công lực lại nhu nhược, yếu kém, thì tự nhiên con người sẽ được bản năng sống thôi thúc, tha hồ tung hoành trong quá trình tìm kiếm lợi ích cho bản thân, bất chấp luật pháp, chuẩn mực. Sự hoành hành của nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm là những hệ luỵ tất yếu của sự phổ biến thái độ sống ấy. Hiện tượng lợi dụng xe chở hàng gặp nạn trên đường đi để lấy hàng, một kiểu ăn cướp của số đông theo bầy đàn, xảy ra trong thời gian gần đây, cũng nằm trong chuỗi hệ luỵ này. 

Theo logic suy nghĩ đó, thì trách nhiệm chính trong việc xây dựng kỷ cương, giềng mối xã hội rõ ràng thuộc về nhà chức trách công. Cần phải làm thế nào có được một đội ngũ viên chức công kỷ luật, trong sạch, gương mẫu, nghiêm túc, có năng lực, chuyên nghiệp và tận tuỵ. Tấm gương về tôn trọng chuẩn mực xã hội, pháp lý của người nắm quyền lực công và tính hiệu quả trong công việc chuyên môn của người được giao chức năng bảo đảm thực thi pháp luật sẽ có sức mạnh cuốn hút đối với toàn xã hội, tạo ra trào lưu ứng xử tích cực nhằm xây dựng xã hội văn minh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện 

Bắt giam cảnh sát cơ động ẩu đả với cảnh sát giao thông
Chiều 4.8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Đại Phúc, nguyên trung úy cảnh sát cơ động, thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP.HCM, về hành vi chống người thi hành công vụ. Trần Đại Phúc cũng bị khai trừ khỏi Đảng cùng ngày 4.8. Giám đốc Công an TP.HCM cũng ký quyết định tước danh hiệu công an nhân dân của Trần Đại Phúc. (T.H)
------------------
*****


2 nhận xét:

  1. Vì sao có việc CA bị đánh. có hai nguyên nhân:
    1- CA gặp phải kẻ côn đồ.
    2- CA hành xử như kẻ côn đồ, trấn lột nên bị người dân uất ức mà đánh.

    Trả lờiXóa
  2. Dân phường Điện Biên HNlúc 10:11 5 tháng 8, 2011

    Tại sao lại khai trừ thằng này ra khỏi đảng và khỏi ngành CA? Không được! Tự nhiên Nhân Dân Ta lại phải kết nạp một phần tử xấu như vậy vào hàng ngũ của mình. Cứ để nó ở cương vị cũ!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này