++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Nguyễn Thị Hồng Ngát: Ai về Thanh Hóa- dô tá dô tà

Nguồn: Blog Hồng Ngát

Cháu nội Nam Phương - nhưng không thích làm Hoàng hậu hì.hì..
       Nhận lời mời của Chủ tịch Chi Hội nhà văn thường trú tại Thanh Hóa -  nhà văn Kiều Vượng và GĐ Sở giáo dục Thanh Hóa . Ngày 1-8 mình đã về Thanh Hóa cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBVHNT toàn quốc và kiêm Chủ tịch Hội nhà văn VN,  nhà văn Nguyễn Khắc Trường , nhà thơ Định Hải, nhà thơ Mai Ngọc Thanh. Hai bác nhà thơ này tuy đã lớn tuổi nhưng là 2 người con của xứ Thanh nên trên đường về quê ra chiều hớn hở lắm hai bác cứ cười nói suốt. Mấy trăm cây số mà chả biết mệt là gì. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho mở lớp bồi dưỡng các em viết văn làm thơ trẻ của tỉnh nhà để hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà văn nhà thơ trưởng thành lên từ những lớp bồi dưỡng này. Các thày ở HN về để trò chuyện kinh nghiệm làm văn viết thơ với các em. Địa điểm lớp bồi dưỡng được tổ chức tại Sầm Sơn. Mình ước gì giá tỉnh ủy, UBND tỉnh nào cũng được như tỉnh Thanh hóa chú ý đến văn chương như vậy có phải hay biết bao nhiêu kg?

        Mình, thấm thoắt về Sầm sơn lần cuối cùng cách đây đã 21 năm. Từ 1990, dự trại st KB Điện ảnh. Hồi đó mình tha cả 2 cô con gái còn ở tuổi choai choai vào cùng. Tại Sầm sơn lần đó ngoài KB, mình còn viết được 2 bài thơ; Biển đêm ( Lê Vinh đã phổ nhạc, các ca sĩ thỉnh thoảng vẫn hát véo von trên TV, trong các kỳ thi Sao Mai và bài Ghi bên Hòn Trống Mái. Hồi đó mình còn trẻ, mới có 40 chiếc lá vàng rơi, đang ở trong tình trạng khổ đau, buồn chán, tình cảm cách xa không biết có nên cơm cháo gì không nên 2 bài thơ đó âm hưởng rất là buồn và cô đơn nhưng không bi lụy mà vẫn tràn trề hy vọng " Nơi xa vời anh có biết không- Em gọi anh thì thầm cùng tiếng sóng - nếu nơi ấy anh thấy lòng xao động - Là tình em vang vọng ngóng anh về" Lê Vinh phổ nguyên xi đoạn thơ này chỉ bỏ mỗi chữ về cuối cùng thôi. " Là tình em vang vọng ngóng...anh"  Nhạc đoạn này cũng cao trào da diết. Nếu ca sĩ là nam thì hát là ngóng em, nếu ca sĩ là nữ thì hát là ngóng anh.

        Ngược thời gian chút nữa thì năm 1968, mình cùng đoàn Văn công Trẻ của nhà hát trên đường vào chiến trường đã đóng tại thị xã Thanh Hóa 1 tháng để biểu diễn phục vụ bộ đội. Biểu diễn từ Thanh Hóa trở vào đến Nghệ an, Quảng Bình, sang cả rừng bên Lào- đi theo đường mòn 3-2, cứ nơi nào có binh trạm bộ đội thì đến. Ai về Thanh Hóa -dô tá dô tà - Thanh Hóa anh hùng- dô tá dô tà. Anh hùng thế mà mọi người cứ đùa là dân " ăn rau má phá đường tàu"  hay " khu 4 đẩy ra khu 3 đẩy vào" đến là tếu. Ngày ấy hát và diễn Đường về trận địa, Lái xe - chống lầy, 2 vở chèo nổi tiếng của chú Tào Mạt mãi. Bao nhiêu địa danh của xứ Thanh hiện hữu trong vở chèo ngắn Đường về trận địa. Núi Ngọc bên cầu Hàm Rồng... Ngày ấy và cho đến cả bây giờ mình vẫn rất thích bài hát " Chào sông Mã anh hùng"( Chờ gió lên cho thuyền ơ ớ về ..ta chào sông Mã...nghiêng bóng cau làng quê thân yêu ờ ơ ớ...)Chao ôi lời mới đẹp làm sao chả lủng củng lảng cảng như lời một số bài hát bây giờ. Không nhớ là giọng ca sĩ Trung Kiên hay Quí Dương. Nhưng rất là thích. Ngày ấy thanh niên hay hát bài này. Bài hát  không chỉ rất hay mà với mình còn có rất nhiều kỷ niệm nữa. Nhẽ ra lãnh đạo tỉnh Thanh hóa nên có phần thưởng cho các nhạc sĩ có bài hát hay về xứ sở của mình mới phải. Bây giờ có treo thưởng 100 đến vài trăm triệu cũng khó có ai viết được bài hát hay như thế về xứ Thanh.

        Sau này được làm việc với một số người tài, giỏi giang quê xứ Thanh - NSND Lê Tiến Thọ( Nguyên Thứ Trưởng Bộ VH TT DL, nay- Chủ tịch Hội NSSKVN), Nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ( nay - Bí thư Thành ủy HN) . Nói ra lại bảo vơ vào, sự thực mình là bạn học cùng trường SK với Lê Tiến Thọ từ ngày cả hai đều ở tuổi 15. Anh ấy ở Nhà hát Tuồng TƯ. Đi lên từ đó và cũng giúp đỡ bạn bè nhiều. Mình cũng vậy, nếu không có Nhà hát chèo VN thì cũng chẳng có mình, mình sẽ chẳng được như ngày hôm nay. Sau này làm ở Cục ĐA- đ/c Cục trưởng Sếp của mình cũng là người xứ Thanh. Bây giờ vào Thanh- nhớ người xứ Thanh ngày xửa ngày xưa âu cũng là lẽ thường. Nhà văn Kiều Vượng là người xứ Thanh năng nổ, chu đáo và tận tình với bạn bè, với đàn em.

       Thị xã Thanh hóa xưa nay đã lên TP. Đẹp và nên thơ lạ lùng. Sầm sơn 20 năm trước vắng vẻ nay cũng đông vui hơn một chút. Mấy ngày vào đây thật xui là trúng vụ bão. Mưa. Biển động nên kg tắm biển được lần nào.Dù vậy, chợ buổi sớm bên bờ biển vẫn có mực tươi,  tôm tươi, có ngao, có cua biển mà đêm trước dân chài đánh bắt được. Giá không đắt nhưng vẫn thích dền dứ mặc cả để lấy vui. Buồn một nỗi KS ở SSơn không có internet. Mấy ngày mù tịt thông tin, chẳng có báo đọc nữa. Suốt ngày lên Hội trường với các cháu. Nhìn những gương mặt còn non choẹt chỉ từ 13 đến 15,16t...thầm nghĩ bao giờ thì các em trở thành NHÀ VĂN? Giống như ngày xưa nhà viết kịch Lưu Quang Thuận nhìn cái áo bé nhỏ của mình phơi trên dây  ông cũng tự hỏi như vậy.

       Bật TV xem mới biết đ/c GĐ CA HN đã tổ chức họp báo trả lời  v/vụ " đạp vào mặt nhân dân". Khổ quá, sao phải nói thế, việc gì phải bảo , phải giải thích là đi khám thương thấy NCĐức không việc gì, không bị đánh hay đạp. Đúng là bệnh nghề nghiệp. Dù thế nào ( sai hay đúng) thì CA mất gì lời xin lỗi người dân qua cú đạp đó? GĐ cất 1 câu xin lỗi thay cho nhân viên của mình ( kiểu con dại cái mang) với lý do có thể ( có thể thôi )  đ/c CA đó trong lúc làm nhiệm vụ do bức xúc, trời nóng nên khó kiềm chế...Sẽ cho kiểm tra để xử lý phê bình kiểm điểm nghiêm đ/c đó. Thế là xong, là mọi người đều nhẹ lòng cả. Dư luận sẽ dịu đi, GĐ CA còn được hoan nghênh nữa. Xem ra chỉ nhân dân ( ngay cả mình cũng vậy) là luôn mồm phải xin lỗi CA mỗi khi có chuyện va quệt ở ngoài đường, đi sai làn hay do mải nghĩ nên vô tình vượt đèn đỏ bị toe còi bắt táp vào lề đường. Câu đầu tiên chẳng biết sai đúng thế nào mình là vẫn cứ phải xin lỗi các anh CA ngay cái đã, nhận hết lỗi về mình, các anh tha thì tốt mà bắt nộp phạt cũng nộp ngay để còn đi họp kẻo trễ. Ngoan ngoãn cực kỳ.

         Lại cũng bật TV thấy tòa xử Cù Huy Hà Vũ y án sơ thẩm : 7 năm tù giam, 3 năm quản thúc. Thế mà trước đó cứ hy vọng Quốc Hội vừa họp xong, thắng lợi ròn rã. Các nguyên thủ trúng hết các vị trí then chốt theo dự đoán trứơc đó của nhân dân. Vui mừng thế thì thể nào cũng mở lượng khoan hồng. Giống như các cụ ngày xưa khi nhà có Đại hỷ thì bao giờ cũng mở lòng hiếu sinh. Giơ cao đánh khẽ. Thế mà không phải. Mình chả quen biết CHHV- chỉ biết ộng cụ thân sinh ra anh ấy, ngày cụ còn sống hay gặp cụ ở sân 51 THĐ. Nhà thơ Huy Cận là một nhà thơ lớn. Bóng ông sừng sững trên thi đàn VN từ cuối những năm 30 của TK trước nhưng cụ cực kỳ giản dị và hay chuyện trò. Trong các cuộc họp cụ thường ngồi nhắm tịt mắt- mọi người nháy nhau cho là cụ lại ngủ  rồi. Người già giấc ngủ như chim. Không sao. Nhưng khi chủ tọa nhắc tên cụ xin ý kiến. Cụ choàng tỉnh nói trúng phóc vấn đề. Ai cũng thán phục. Hóa ra cụ không ngủ mà chỉ nhắm mắt để đấy thôi. Những năm cuối đời cụ đi lại chậm chạp. Thỉnh thoảng mệt hay ngồi nghỉ dưới gốc cây si. Trông người già cả, ốm đau, ăn mặc lôi thôi lồi thồi như một cụ già nông dân  vậy mà hồi trẻ cụ lại lãng mạn đến thế khi viết những vần thơ tuyệt vời đẹp đến nao lòng như thế này ;" Tay anh em hãy tựa đầu- Để anh nghe nặng trái sầu rụng rơi- Nắng chia nửa bãi chiều rồi - Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu - Ngày buồn con nhện giăng mau - Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây - Hồn anh đi với quạt này - Trăm con chim mộng về bay đầu gường..." Nhà thơ làm sao biết được, tưởng tượng được rằng ngày hôm nay người con trai cả của mình lại lâm vào cảnh lao lý vì.." chống nhà nước CHXHCNVN!!!!!!" . Thật là chả còn biết nói gì nữa.,

4-8-2011.
------------------
*****


2 nhận xét:

  1. Con cháu Bà Triệulúc 00:28 6 tháng 8, 2011

    Vâng, thật là chả còn biết nói gì nữa.Hãy nghêu ngao bài hát Chào Sông Mã Anh Hùng của NS Xuân Giao: "CHỜ GIÓ LÊN..." NGỘT NGẠT QUÁ RỒI, CHỊ HỒNG NGÁT Ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi ...
    được viết thẳng (không viết nháp trước) và nói thẳng: Tôi tôn trọng Trang chủ mà đọc nhanh qua bài này, chớ đúng như ấn tượng ban đầu là: Nhạt hoét! - Những sự việc rõ như thế mà "chả còn biết nói gì nữa" ?!
    Tôi vẫn quan niệm văn nghệ sỹ thuộc thành phần "trí thức" vì trong công việc tri thức bắt đầu từ cảm thức (Emotion) đến tri thức (Intelligence) thì VNS "quản" cái khâu đầu là "cảm thức". Cái người đọc cần ở người viết là những suy tư sau những cảm nhận.
    Xin góp vui một câu chuyện ngoài lề:
    Một nhà văn hài hước nổi tiếng của Bắc Âu (cũng nổi tiếng về dung nhan xấu), khi qua Mỹ chơi. Một cô đào tán tỉnh:
    Anh ơi, nếu chúng ta sống cùng nhau, con cái chúng mình sẽ đẹp như em và thông minh như anh.
    Nhà văn nói:
    Nhưng nếu chúng lại "xinh đẹp" như anh và thông minh như em thì làm sao được nhỉ???
    ...

    Thân mến.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này