++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Thư Sài gòn 3


Vũ Ngọc Tiến

Anh Trần Nhương thân kính!
 
Đêm nay tôi lại ngồi viết thư cho anh, lá thư cuối cùng ở Sài Gòn đầy ắp sự kiện, để lại ấn tượng sâu sắc trong đời viết của mình. Lẽ ra tôi sẽ còn lưu lại đây đến ngày 10/7/2011, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, không tiện nói ra nên phải về Hà Nội sớm hơn dự định 15 ngày. Trưa nay (24/6/2011) là ngày giỗ 49 ngày anh Trần Hoài Dương ở đường Thích Quảng Đức, tôi không đến dự được như đã hứa với bạn bè mà như lời Nhật Tuấn nói, sẽ lỡ mất dịp gặp mặt rất đông bạn văn gốc Bắc có cùng kiến văn, đang sống ở SG và mấy tỉnh miền Đông Nam Bộ. Và còn bao dự định khác nữa cũng đành bỏ dở: Đi Bình Dương thăm vợ chồng Kinh Luân- Tú Khanh ở Dĩ An rồi thuận đường đi tiếp 20 cây số nữa, thăm tư gia cuối đời văn của Nhật Tuấn. Đi Đồng Nai thăm Nguyễn Một như đã hứa trong chuyến Nam du lần trước. Đi Cà Mau thăm lại cây cầu Thầy trên kênh Xáng- Trắc Băng mà tôi và Mai Hiếu đã từng làm phim về nó, nhân thể thăm Nguyễn Ngọc Tư- cây bút nữ trẻ tôi vô cùng yêu mến và cảm ơn cô ấy đã gọi điện chia sẻ, khi cuốn Rồng Đá của tôi bị thu hồi (12/2008) vì đã dám phơi bầy sự thật rùng rợn trong cuộc chiến tranh biên giới (2/1979)… Thế đấy, ở cái tuổi xêm xêm thất thập như tôi và anh thì cơ hội Nam du dài ngày còn được mấy nỗi, lỡ kế hoạch rồi e khó làm lại, anh nhỉ!...
 
Anh Trần Nhương thân kính!

Ngày mốt (CN 26/6), có lẽ giới trẻ và trí thức, văn nghệ sĩ ở Hà Nội sẽ lại xuống đường biểu tình phản đối bọn bành trướng phương Bắc xâm phạm chủ quyền của ta ngoài biển Đông, nhưng ở Sài Gòn có lẽ khó thành hiện thực. Tôi đoán vậy vì CN trước (19/6), vô tình đi lùng mua cho đủ 10 hộp thuốc Phytilax- loại thuốc chống táo bón cho người già rất ít bán ở các tiệm thuốc lẻ, tôi đã tận mắt chứng kiến ở các điểm nhạy cảm như sân nhà thờ Đức Bà, hồ Con Rùa, cửa dinh Thống Nhất và các đọan đường thuộc Quận Nhất ở phố Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Trần Cao Vân… từ mờ sáng đều đã rất đông cảnh sát, an ninh và các vật cản ngăn đường, còn các quán café quanh đó thì đều có lệnh ngừng bán nửa ngày. Chặt chẽ và hà khắc như thế, làm sao ngày 19/6 các cháu sinh viên, học sinh có cơ hội xuống đường thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc đang bị xâm phạm, đành biểu tình ngồi như anh Nguyễn Trọng Tạo đã đưa tin vậy thôi(?!) Dẫu sao, 5 tuần ở Sài Gòn cũng đã cho tôi hạnh phúc vì được tắm mình trong khí thế yêu nước hào hùng của giới trẻ và cả những người lao động nghèo khổ, chất phác tại các điểm café ngồi bệt với giá rẻ bất ngờ, chỉ 5 ngàn đồng/1 ly ở sân nhà thờ Đức Bà hay ở đọan đường Lý Chính Thắng thuộc Quận 3, gần mấy tòa sọan báo và nhà xuất bản, hoặc các quán nhậu bình dân ban đêm trên đường Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám thuộc Quận Nhất. Tôi lại có cơ hội gặp gỡ, đàm đạo chuyện nhân tình thế thái với bạn bè trong giới trí thức, văn nghệ sĩ- một bộ phận tinh túy nhất của người Sài Gòn ở các quán café, điểm tâm: Cỏ May, Lotus trên đường Nguyễn Cơ Trinh; 53 & 58 đường Trần Quốc Thảo; café  Điểm Mới trên đường Phan Xích Long hay quán Bích Câu trên đường Thích Quảng Đức… Thời thuộc Pháp, Nhà nước thực dân chia nước mình thành ba Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau, trong đó Nam Kỳ là xứ “cô-lô-ni”, được hưởng mọi quyền công dân như “Mẫu Quốc” nên qua hơn một thế kỷ tiếp cận với nền dân chủ phương Tây, người Sài Gòn hình như có ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân rất cao mà người Hà Nội chúng ta phải nên học tập chăng? Nhà nước hiện nay cũng cần hiểu rõ đặc điểm này mà có thái độ ứng xử hợp lý hơn với phong trào đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở thành phố Hồ Chí Minh chăng? Trong thư SG 1, tôi có nhắc đến lời tổng kết của cố TBT Lê Duẩn về 3 múi giáp công trên mặt trận ngoại giao ở Pais thời chiến tranh. Cháu NTTV- một SV ở Sài Gòn mấy năm trước đọc tác phẩm của tôi đã chủ động viết thư rồi ra tận Hà Nội thăm tác giả Rồng Đá. Lần này, cháu lại rủ bạn bè đến thăm tại căn hộ tôi ở nhờ người quen, cùng ăn trưa rất hồn nhiên, ấm cúng. Các cháu hỏi tôi: “Bác ơi! Chúng cháu đọc Thư SG 1 trên Web của nhà thơ Trần Nhương, rất tâm đắc với bác và nhà nghiên cứu ĐKP về  khái niệm ngoại giao nhân dân và ba mũi giáp công… Nhưng sao các Hội to đùng, oai như nắng bấy lâu dùng tiền thuế của dân hoạt động như Hội phụ nữ, Hội thanh niên- sinh viên, rồi cả Hội nhà văn và Hội nhà báo nữa không ra lời tuyên bố đanh thép để hình thành một trong ba mũi giáp công mà lại ngậm tăm thế, hở bác? Sao Thành Đoàn hoặc Thành Hội thanh niên- sinh viên không đứng ra kêu gọi và tổ chức chúng cháu biểu tình ôn hòa, đúng pháp luật, để chúng cháu phải tụ tập, bị coi là bất hợp pháp, bị bắt bớ, bị đuổi học cơ chứ? Chẳng lẽ Nhà nước lại sợ dân, không tin dân thì lấy sức mạnh đâu mà bảo vệ chủ quyền biển đảo?... ”  Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm thức tôi hai chữ “Tin Dân” suốt cả một tuần đi về miền Tây sông nước. Ở Lấp Vò- Đồng Tháp, ngày 18/6 là ngày đại lễ của những người theo đạo Hòa Hảo, tôi có hân hạnh tiếp chuyện với cụ Ba Diên, 87 tuổi ở xã Định Yên, được cụ giảng giải cho nghe một bài bài học xương máu về sự không tin dân hồi đầu kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945- 1954). Theo lời kể của cụ Ba Diên, sau ngày 23/9/1945- ngày Nam Bộ kháng chiến, lực lượng yêu nước chống Pháp của Hòa Hảo đã khá mạnh, gồm 4 đại đội, do 4 đệ tử của thầy Huỳnh Phú Sổ chỉ huy đánh chiếm các địa bàn chiến lược quan trọng: Lâm Thành Nguyên ở Cần Thơ, Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ở Châu Đốc, Nguyễn Giác Ngộ ở Sóc Trăng, Trần Văn Soái (Năm Lửa) ở Long Xuyên và Lấp Vò. Để thống nhất lực lượng kháng Pháp, cụ Trần Văn Giàu đã tổ chức cuộc họp hiệp thương với Hòa Hảo và thầy Huỳnh Phú Sổ đã nghe theo, khuyên 4 đệ tử của mình sát nhập với Việt Minh cùng kháng Pháp. Không may, cụ Trần Văn Giàu bị điều ra Bắc, những người thay cụ lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ đã phạm  sai lầm lớn là không tin dân, cho giải tán phong trào “Thanh niên Tiền phong” và bất hợp tác với Hòa Hảo, dẫn đến cái chết bí hiểm của đức Thầy. Cụ Ba Diên còn chỉ đích danh kẻ giết đức Thầy là Đào Công Tâm, con dao hắn dùng giết đức Thầy hiện vẫn còn lưu giữ tại bàn thờ nhà một cụ bà 90 tuổi, tín đồ Hòa Hảo ở Long Xuyên. Vụ thảm sát lẫn nhau giữa quân Hòa Hảo và Việt Minh ở Định Yên vào đầu năm 1947 diễn ra thật khủng khiếp, chỉ trong một đêm mà có vài ngàn xác người của cả hai bên phơi đầy khắp miệt vườn hoặc trôi lềnh bềnh trên kênh rạch. Vùng Lấp Vò từ đó trở thành Định Yên Quốc, suốt 9 năm kháng chiến quân Pháp và cả Việt Minh đều không vào được… Điều làm tôi vô cùng xúc động và khâm phục là suốt buổi nói chuyện, cụ Ba Diên không hề có ý khơi lại sự thù hận, luôn nhắc nhở đám người tuổi con cháu chúng tôi về tình đồng loại, nghĩa đồng bào và sự đoàn kết tôn giáo. Bằng vốn Hán học thâm viễn và sự từng trải trong đời, cụ chỉ muốn nhắn gửi tới những người có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc từ trung ương tới địa phương phải nhớ nằm lòng hai chữ Tin Dân. Cuối buổi nói chuyện cụ bảo: “Đạo là cái lý tồn tại của trời và đất, là cái duyên tụ- tán hay ly- hợp của vạn vật trong vũ trụ khôn cùng. Vì thế đạo có trước, người có sau. Phàm cái gì thuận với đạo thì tồn tại, phát triển; còn nghịch với đạo thì mai một, diệt vong. Con người ta phải tùy duyên, khế lý, khế cơ mà nương theo đạo để hành sự. Từ ngàn đời nay, các bậc vua sáng tôi hiền muốn làm nên đại nghiệp đều phải có đủ 4 hạnh : Tin Dân- Yêu Dân- Thân Dân- Dưỡng Dân. Trong 4 hạnh ấy thì hạnh Tin Dân là cốt lõi…” Nói đến đây cụ ngừng lời, nhấp vài ngụm nước và quay sang tôi bảo: “Bài học đẫm máu về sự không tin dân hồi chín năm giờ nên cho qua, cùng đồng bào máu chảy ruột mềm thù hận mà làm gì. Hãy lấy ngay bài học bây giờ để bác nhà văn hiểu thêm cái giá trị của hạnh Tin Dân. Lát nữa, bác nhà văn có xe máy thử đảo một vòng quanh xã Định Yên sẽ thấy nơi đây có hơn chục cây cầu bê tông hoặc bằng gỗ rất rộng và bền chắc. Tất cả đều do chính quyền ở đây tin dân, dựa vào Ban trị sự Hòa Hảo vận động dân quyên góp mà nên. Nhiều nơi khác, cán bộ thiếu hạnh Tin Dân, ghẻ lạnh với Ban trị sự Hòa Hảo thì không được thế đâu, haha!…” Rời đất làng nghề dệt chiếu cói Định Yên, chúng tôi quay về thị trấn Lấp Vò, vào nhậu lai rai ở quán Sao Mai, sôi nổi đàm luận về 4 hạnh của người lãnh đạo và liên tưởng tới các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước, thề giữ vững chủ quyền biển đảo đã và sẽ còn diễn ra ở Sài Gòn sao mà thấm thía!...
 
Anh Trần Nhương thân kính!

Thư này viết vào đêm cuối lưu lại ở Sài Gòn (24/6/2011), nhưng tôi cứ trăn trở, cân nhắc mãi chưa vội nhấn chuột gửi anh. Giờ ngồi xem lại, quyết định gửi cũng là lúc tôi trở về Hà Nội đã được vài ngày, đủ thấy có nhiều tâm tư thầm kín muốn chia sẻ cùng anh đằng sau câu chữ. Tôi gửi theo đây dăm tấm ảnh lưu lại kỷ niệm về chuyến Nam du 5 tuần, chứa đầy kỷ niệm với bạn bè, người thân ở nơi xa xôi ấy.
Chúc anh và gia đình mạnh khỏe, tâm thường an lạc!

SG đêm 24/6/2011- HN đêm 27/6/2011
VNT

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này