++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Sự may rủi, xấu hay tốt, sẽ mãi mãi ở với chúng ta...

Nguồn: Blog Gocomay
Đăng ngày: 02:58 30-07-2011
sc4a9-phu-vc3a0-the1bb9di-cue1bb99c.jpg
Như trong một entry tôi viết hồi cuối tháng 3 nhan đề: 549-Cù Huy Hà Vũ sẽ được thả vào chiều ngày 24.03.2011? (*). Sau đó ít ngày tôi có cuộc điện đàm với ông anh ruột đang sống ở quê, trao đổi về chuyện di dời mộ cho song thân của tôi để nhường đất cho qui hoạch đô thị mới. Thấy ông anh than phiền, có ông chi ủy viên nói với anh rằng tôi viết bài đăng trên mạng bênh vực một tên phản động chống phá cách mạng. Tôi hỏi, thế anh đã xem bài đó chưa? Anh nói chưa xem. Nhưng thấy tay chi ủy viên đó nói tôi đã có cảm tình với tên Nguyễn Trường Vũ như vậy là không nên. Nghe cái tên Nguyễn Trường Vũ lạ hoắc tôi gặng hỏi thì anh nói, hôm đi nhận huy hiệu 40 năm tuổi đảng về thì tay chi ủy nói cũng nghe người ta nói lại thế chứ tay chi ủy này cũng có biết tay Trường Vũ phản động kia mặt mũi ra làm sao đâu...
Qua câu chuyện đó mới thấy trình độ rất nhiều cán bộ cốt cán của đảng ta ngày nay như dạng Ba Náo (Bí thư chi bộ nơi Tống Văn Công sinh hoạt đã từng có câu nói nổi tiếng: "Hoàng Sa - Trường Sa chỉ là nơi bãi hoang chim ỉa...") và tay chi ủy viên nơi anh tôi đang sống là rất phổ biến. Không biết có phải nhờ sự trung thành của những cốt cán này mà đảng vẫn đang kiên định những thứ mà cả những người yêu đảng nhất cũng không hiểu nổi con tàu do đảng lèo lái sẽ đi về đâu?
Nay trước thềm phiên xử phúc thẩm tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV), tôi xin post lại ý kiến thẳng thắn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Bằng Việt để cho những ai còn có ác cảm với tôi, cho tôi là đã có thiện cảm và bênh vực vô lối một người trí thức dũng cảm như CHHV thì hãy tự xem lại mình.
Luận về những việc khôn hay ngu mà hai nhà thơ tên tuổi đang bàn tới khiến tôi lại nhớ tới một câu danh ngôn rất nổi tiếng của một nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ 16-17 như sau:
"Sự may rủi, xấu hay tốt, sẽ mãi mãi ở với chúng ta. Nhưng nó sẽ có cách giúp đỡ cho người thông minh và quay lưng lại với người ngu đần" (Lope de Vega)
482px-LopedeVega.jpg
Lope de Vega (1562-1635) - Nguồn: wikipedia
Gocomay 
___
TẠI SAO TÔI KÝ KIẾN NGHỊ TRẢ TỰ DO CHO CÔNG DÂN CÙ HUY HÀ VŨ?
Nguyễn Trọng Tạo
Chưa rõ Kiến nghị trả tự do cho CHHV với 2000 chữ ký của các tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức và những người dân quan tâm đến vụ án CHHV sẽ có tác động gì đến phiên xử phúc thẩm vào ngày 2/8/2011 hay không, nhưng đây là một luồng ý kiến không thể bỏ qua ở một đất nước mà luôn tuyên bố là chế độ bảo đảm Tự do – Dân chủ.
Tôi là người cũng đã ký tên vào bản kiến nghị này (số thứ 51), bởi tôi hiểu rõ vì sao tôi lại ký tên vào đó.
Sau khi danh sách được công bố trên trang BoxitVN, một cán bộ an ninh thân quen điện thoại hỏi tôi:
- Anh có ký tên vào Kiến nghị không?
- Có chứ.
- Ôi anh của em, anh ký vào đó làm gì?
- Anh muốn vụ án CHHV được minh bạch, đàng hoàng chứ không thể luộm thuộm như nó đã xảy ra.
- Vậy theo anh thì nó có gì khuất tất không?…
Chúng tôi đã trao đổi với nhau, và chú em của tôi vui vẻ nói:
- Vâng, em tôn trọng ý kiến của anh.
* * *
Ý kiến của tôi là:
Một là: Tại sao một vụ án “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” lại khởi đầu bằng 2 bao cao su đã sử dụng? Đây là một kịch bản vụng về, gậy dị nghị về cung cách “làm án” của lực lượng CA vốn rất nhiều thành tích chống tội phạm. Vậy mà không hề được giải thích cho toàn dân ta và thế giới biết.
Hai là: Các ý kiến và khiếu kiện của CHHV là hoàn toàn công khai nhằm tác động đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cho dù những ý kiến đó có cái đúng, cái sai thì vẫn cần được tiếp thu, trao đổi, vì đây là ý kiến và khiếu kiện của một công dân đặc biệt – một công dân trí thức am hiểu luật pháp. Phải nói, CHHV có nhiều ý kiến sắc sảo giàu tính dự báo và gợi mở, đặc biệt là thư gửi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về vấn đề quan hệ Việt – Trung.
cuhuyhavuhuycan.jpg
Nhà thơ Huy Cận và Cù Huy Hà Vũ
Ba là: CHHV là con của một công thần, 2 nhà thơ nổi tiếng Huy Cận và (cha nuôi) Xuân Diệu, lại được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, v.v… Đó không phải là lý do tiên quyết để bảo đảm cho thân nhân, nhưng đó là một điểm mạnh mà không phải ai cũng có trong việc tiếp thu truyền thống yêu nước và tri thức.
Bốn là: Vụ án xử sơ thẩm vội vàng và phức tạp đã gây ra sự bất tín về sự minh bạch và công bằng cho một vụ xử án, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận trong nước và thế giới, đến nỗi GS Ngô Bảo Châu đã khái quát: “Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi”.
Vì vậy, việc xử phúc thẩm vụ án CHHV phải làm rõ công tội để mọi người dân có thể “đồng thuận” được.
Mục đích chính của bản kiến nghị là đề nghị “trả tự do cho công dân CHHV”, điều đó không có gì đi ngược với chân lý và sự phát triến dân chủ trong xã hội Việt Nam.
* * *
Trước đây mấy ngày, sau khi dự lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà văn Sơn Tùng, tôi và Nhà thơ Bằng Việt ngồi uống bia với nhau.
Câu chuyện thế nào lại dẫn đến vụ Cù Huy Hà Vũ và “cú đạp lịch sử” của một cán bộ an ninh đạp vào mặt người dân biểu tình vừa qua. Cũng xin nói thêm, Nhà thơ Bằng Việt từng học luật ở Liên Xô (cũ), nguyên thành ủy viên kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và hiện đang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liện hiệp VHNT Hà Nội, ông là một người hiền lành và chín chắn, một trí thức tiêu biểu từng được chọn tham gia đoàn trí thức chúc mừng đại hội Đảng vừa rồi. Tôi phải kể ra dài dòng thế vì tôi khá bất ngờ về ý kiến của ông trước 2 sự kiện trên. Ông nói:
- Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn
Tôi thấy ông dùng 2 từ “ngu xuẩn” hơi nặng, nhưng ông bảo:
- Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác – Và ông nói tiếp – Ngay cả việc tay CA đạp vào mặt người biểu tình, nếu lãnh đạo không xin lỗi dân thì cũng là ngu xuẩn.
bangviet.jpg
Nhà thơ Bằng Việt
Tôi im lặng nhìn vào vỏ chai bia trên bàn. Vẫn chỉ 2 chai Ken chưa hết. Thì ra không phải bia nói (vì bia lượng của ông không thấp như thế). Bằng Việt đã nói lên sự hiểu biết và ngẫm ngợi của mình.

Tôi tự hỏi, tại sao một nhà trí thức, một ông quan đương chức, một nhà thơ nổi tiếng như Bằng Việt lại phải nói lên tiếng nói lương tâm của chính mình như thế. Và tôi hiểu đó là Sự Thật.

Còn các ngài, các ngài nghĩ sao?…
Hà Nội, 30.7.2011
____
Bếp lửa
Bằng Việt
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế,
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế.

Mẹ cùng cha bận công tác không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi,
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi,
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

(1963)

------------------
*****


»» xem thêm

Bạn đọc viết: Vài suy nghĩ nhỏ về bài viết "Phải cảm ơn thương nhân Trung Quốc" của giáo sư Võ Tòng Xuân.

T.s Đoàn Phú Hòa


Czech Republic



Tuy rất tôn trọng G.S Võ Tòng Xuân nhưng tôi không thể đồng ý với quan điểm của G.S là “Chúng ta nên cám ơn thương nhân Trung Quốc đã tiêu thụ nông sản cho nông dân ta trong khi các thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam quá thụ động.  

Điều này chỉ đúng có một vế là trước mắt trong vòng một vài năm là nông dân bán được nông sản với giá có thể cao hơn một chút so với giá thu mua của các doanh nghiệp trong nước nhưng GS không nghĩ đến cái hậu quả lâu dài của nó cho nền nông nghiệp Việt Nam mà theo tôi là ở những điểm sau : 

1. Bằng cách này vô hình chung nông dân Việt Nam đã tự đưa mình vào con đường phụ thuộc các thương gia T.Q (mà biết đâu bọn chúng chẳng được chỉ đạo từ Bắc Kinh?). Việt Nam mình đã bị phụ thuộc trong quá nhiều lĩnh vực rồi, nhất là trong kinh tế, chủ yếu là trong công nghiệp mà giờ lại bị phụ thuộc nữa về nông nghiệp thì làm sao có thể phát triển được? 

2. Các thương nhân T.Q thu gom nông sản ở VN để rồi chuyển về nước theo con đường tiểu ngạnh tức là không hề có bất kỳ một hợp đồng chính thức, các cơ quan chức năng VN không thể kiểm soát được vì các thương nhân T.Q thường mua nông sản qua hệ thống đầu nậu của mình, những “lái buôn” người Việt chứ không mua trực tiếp từ nông dân và như vậy họ thể lật lọng nông dân bất kỳ lúc nào. Đã là doanh nghiệp thì mục tiêu chính và cũng có thể nói là mục tiêu duy nhất của họ là lãi xuất nên khi đã làm chủ được thị trường mua - bán thì dứt khoát họ sẽ tìm cách dìm giá bán thậm chí họ có thể tự đặt giá mà lúc đó nông dân không còn con đường nào khác là phải chấp thuận (tương tự như giá vải thiều đã diễn ra trong thời gian qua trên biên giới phía Bắc là một ví dụ). 

Theo tôi nghĩ thì không thể để các doanh nghiệp T.Q  tự do lũng đoạn thị trường VN được. Vấn đề quan trọng và cũng là con đường đúng đắn nhất để giải quyết được tình trạng hiện nay là nhà nước VN phải có trách nhiệm, không để các doanh nghiệp VN làm ăn theo kiểu thụ động, chụp dật và đồng thời tạo điều kiện cho nông dân VN có khả năng bán được sản phẩn của mình mà không bị các đầu nậu ép giá. Cho đến thời điểm này thì VN vẫn là nước nông nghiệp. Nếu để bất kỳ nước ngoài nào thâu tóm được thị trường này mà nhà nước mất hết quyền quản lý thì đó là hành động tự sát. 

Giáo sư Võ Tòng Xuân, người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của các tổ chức, dự án quốc tế và quốc gia về lĩnh vực nông sản nên hoàn toàn có thể tác động đến lãnh đạo các Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương vận động các doanh nghiệp Việt Nam đặt quan hệ mua bán sòng phẳng và trực tiếp với các nơi sản xuất, người dân có thể bán nông sản của mình với giá cao hơn và các doanh nghiệp vẫn có thể mua được với giá thấp hơn so với giá phải mua lại từ các đầu nậu. Để xẩy ra hiện tượng này là khuyết điểm của các cơ quan chức năng nhà nước, từ TW đến địa phương.  Nông nghiệp cũng như công nghiệp, ở lĩnh vực nào cũng phải có kế hoạch để không dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu. Cứ như giáo sư chỉ ngồi vỗ tay ủng hộ việc làm của các thương nhân T.Q mà không hề vạch ra cho người dân lao động cùng các cơ quan nhà nước có những biện pháp sửa sai tích cực và kịp thời thì tôi sợ rằng một ngày không xa, người nông dân sẽ phải ngồi khóc trên núi sản phẩm của mình vì không biết bán cho ai.

31.7.2011



------------------
*****


»» xem thêm

Bọ Lập: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng Phạm Vũ Luận!

Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!

Trả lời pv báo Tuổi trẻ, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích  như vầy: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.“  Mình đang uống nước, đọc đến đoạn này bỗng sặc nước, phun ướt cả máy tính. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa nghe một ông bộ trưởng giáo dục nào lại phát ngôn làm mình sốc đến như vậy.

Với 98% thí sinh có điểm sử dưới trung bình, trong đó có hàng ngàn điểm không khiến thiên hạ giật mình kinh hãi thì Bộ trưởng nói tỉnh bơ, cho đó là chuyện bình thường. Thất kinh. 

Chính vì “Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”, với kết quả như vậy thiên hạ mới giật mình hoảng hốt. Bộ trưởng không hề biết đỏ mặt xấu hổ, không hề biết đau xót thì quá lạ. Nếu chỉ là cuộc chơi ” đố vui có thưởng” thôi, mà có mấy ngàn điểm không lịch sử người ta đã giật mình  lo lắng rồi, huống hồ đây là thi tuyển quốc gia, Bộ trưởng ơi là Bộ trưởng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã viết như vầy: “Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”. Đại tướng viết vậy là để  tái khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc dạy và học  sử, để cho kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải nhớ. Chả biết Bộ trưởng đã đọc chưa. Mà chưa đọc thì cũng phải biết điều đó chứ, một ông giáo dạy sử cấp 2 còn biết nữa là Bộ trưởng.

 Chắc chắn Bộ trưởng thừa biết lứa học sinh thi đại học năm nay, dăm mười năm nữa sẽ là lực lượng nồng cốt  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thử hình dung mà xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi lực lượng nồng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ấy có 98% mù tịt về lịch sử nước nhà, trong khi Trung Quốc lúc nào cũng muốn nuốt chửng nước ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng cũng thừa biết, từ  phim ” Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long”, phố đèn lồng ở Thanh Hóa, xây Vạn lý trường thành ở Đà Lạt…. đến việc mất đất ở biên giới, coi Hoàng Sa “chỉ là bãi chim ỉa”, đàn áp và khinh bỉ người biểu tình yêu nước, đục bia ở Lạng Sơn bỏ bia ở Nghệ An… có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể bỏ qua, ấy là việc dốt sử. Không lẽ Bộ trưởng không biết xấu hổ, không biết đau, không biết lo lắng về điều đó hay sao.

Cho nên, với dự án  xây dựng bộ sách giáo khoa 70 nghìn tỉ, và với phát ngôn phi giáo dục, vô trách nhiệm như đã nêu trên, xin nói thật với Bộ trưởng như vầy: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!

 Tặng ngài hai cái ảnh này để ngài hiểu thêm hậu quả của việc dốt sử.
------------------
*****


»» xem thêm

Trần Nhương: Ký họa chân dung Cù Huy Hà Vũ

Trần Nhương
 
 
Theo thông lệ, năm nào vào Ngày Thơ VN, Trần Nhương cũng kí họa chân dung cho bạn đọc. Một năm chỉ vẽ phục vụ bạn đọc một lần cho vui và kiếm tí tiền mừng tuổi. Hôm rằm tháng Giêng năm Canh Dần (2010) Trần tôi đang hí hoáy thì vợ chồng Cù Huy Hà Vũ xuất hiện. Vũ cười:
 
- Đầu xuân xin anh cho một bức kí họa.
 
Tôi ngẩng lên thấy Hà Vũ và Dương Hà cười rạng rỡ. Huy Vũ là tay vẽ chân dung cự phách mà tôi đã xem nhiều, nay vẽ cho Vũ cũng ngại. Tôi đùa:
 
- Múa rìu qua mắt Vũ sao tiện.
 
- Ông anh ơi mỗi người một vẻ, em thích anh vẽ em một cái để kỉ niệm...
 
Thôi được, chơi luôn, ngoáy trong 2 phút cái gương mặt phúc hậu của Vũ đã hiển hiện trên giấy. Có cái gì đó hơi ngơ ngác, tươi thầm và hiền hậu...
 
  Ấy là ngày Cù Huy Hà Vũ chưa bị tạm giam. Ngày 2-8 này phiên tòa phúc thẩm xét xử Cù Huy Hà Vũ. Chúc Vũ minh mẫn để trình bày trước tòa và cầu mong các quan tòa công minh, sáng suốt xử công khai đàng hoàng theo luật pháp ưu việt của chế độ chúng ta,
------------------
*****


»» xem thêm

Một bài báo lạ trên báo... Lề phải!



LẠI MỘT BÀI BÁO LẠ
Nguyễn Duy Xuân

Trên TuanVietNam.net (VietNamNet) vừa xuất hiện bài đăng trên tờ China Daily, không rõ của ai mà chỉ ghi chú tác giả là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Việc đăng tải bài viết của báo nước ngoài là chuyện bình thường. Nhưng cái không bình thường ở đây là người ta đăng nguyên (dù là bản dịch) bài viết của Trung Quốc đang cố tình biện minh cho cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông, về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và về đường lưỡi bò mà họ tưởng tượng ra với những chứng cứ gọi là “lịch sử” mà tác giả bài báo đưa ra. Một bài viết hoàn toàn không đếm xỉa gì đến công pháp quốc tế và phủ nhận chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thay vì phải tỏ chính kiến của mình để giúp độc giả nhận rõ chân tướng của sự ngụy tạo những bằng chứng lịch sử thì TuanVietNam.net lại giúp họ khẳng định cái chủ quyền tưởng tượng ấy bằng dòng chữ in đậm gây chú ý cho dù đã sửa cái tít Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò: Đường chín đoạn, hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc bao gồm những đặc điểm chính ở Biển Đông, với cả quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Người Trung Quốc đầu tiên tới những vùng biển thuộc những đảo này từ cách đây 2.000 năm, họ phát hiện và đặt tên các đảo và sử dụng thẩm quyền phù hợp với chúng.”

Dù Ban biên tập đã rào đón bằng một đoạn gọi là LTS (Lời tòa soạn):  “Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về sự mơ hồ, vô căn cứ và yêu sách tham lam trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín đoạn), bao trùm lên 3/4 diện tích Biển Đông, giới lãnh đạo và truyền thông nước này vẫn tìm mọi cách tuyên truyền cho công chúng trong nước này cũng như quốc tế về đường lưỡi bò. Mới đây, tờ China Daily bản Tiếng Anh lại đăng bài viết với những nguỵ biện về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học.”  Cái câu thòng vào cuối đoạn văn: “Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học” thật vô trách nhiệm và chẳng khác gì là một sự thừa nhận những chứng cứ ngụy tạo trên của người Trung Quốc. Bởi lẽ TuanVietNam.net không phải là báo chuyên ngành chỉ dành cho các nhà khoa học. Độc giả của nó bao gồm hàng triệu người Việt Nam khác, họ đâu có đủ điều kiện nghiên cứu để mà phản biện như tòa soạn nghĩ. Và cái mà TuanVietNam.net gọi là “tư liệu tham khảo” sẽ tác động như thế nào với số đông độc giả ấy ? Cái kiểu làm báo như thế này đã bị dư luận lên tiếng phê phán trong thời gian gần đây nhưng dường như người ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp để rồi vô tình (hay hữu ý, có trời mà biết được) làm phát ngôn viên cho kẻ khác.

Sau đây là nguyên văn bài đăng trên TuanVietNam.net sáng nay, 31-7-2011:


“Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò
Tác giả: China Daily
Bài đã được xuất bản.: 4 giờ trước

Đường chín đoạn, hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc bao gồm những đặc điểm chính ở Biển Đông, với cả quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Người Trung Quốc đầu tiên tới những vùng biển thuộc những đảo này từ cách đây 2.000 năm, họ phát hiện và đặt tên các đảo và sử dụng thẩm quyền phù hợp với chúng. 

LTS: Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về sự mơ hồ, vô căn cứ và yêu sách tham lam trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín đoạn), bao trùm lên 3/4 diện tích Biển Đông, giới lãnh đạo và truyền thông nước này vẫn tìm mọi cách tuyên truyền cho công chúng trong nước này cũng như quốc tế về đường lưỡi bò. Mới đây, tờ China Daily bản Tiếng Anh lại đăng bài viết với những nguỵ biện về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học.

Những bằng chứng lịch sử cho thấy, người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo ở Biển Đông từ thời Tần (221-206 TCN) và thời Hán (206 TCN - 220 SCN). Các hoạt động đi lại và đánh bắt cá giới hạn ở những vùng nước của Đông Sa và Tây Sa bởi các vua thời nhà Đường (618-907 SCN), khi Trung Quốc bắt đầu điều động lực lượng hải quân để kiểm soát và thực thi thẩm quyền với khu vực.

Vào thời nhà Tống (960-1279) và Nguyên (1271-1368), người Trung Quốc mở rộng các hoạt động của họ tới vùng nước thuộc các quần đảo Trung Sa và Nam Sa. Những hoạt động bao trùm tất cả các đảo diễn ra trong thời nhà Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911), do đó đã thiết lập biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông kể từ đầu thế kỷ 20. Chính phủ Quốc dân đảng đã xem xét và thông qua tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 12/1934 và lần đầu tiên tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo.

Một bản đồ xuất bản vào tháng 4/1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu mũi cực nam của Biển Đông là Zengmuansha ở vĩ độ Bắc 4.

Một bản đồ khác xuất bản tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Cộng hòa Trung Hoa. Bản đồ còn hiển thị đường 11 đoạn bao quanh bốn quần đảo với điểm cực nam ở Zengmuansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hàng hải hình chữ U của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các bản đồ ra đời sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vẫn giữ lại đường 11 đoạn, và cho tới năm 1953, thì hai đoạn đánh dấu Vịnh Bắc Bộ bị xóa. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Quốc đều đi theo đường chín đoạn, hình chữ U.
Đường chữ U là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài thiết lập chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông và vùng nước lân cận. Tháng 10/1947, các tài liệu mà bộ nội vụ trình bày với chính phủ Quốc dân đảng cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo và vùng nước bên trong đường chữ U.

Ngược lại, Việt Nam, Malaysia và Philippines hầu như không biết bất kỳ điều gì về các đảo ở Biển Đông trước triều nhà Thanh (1644-1911), cũng như không có bằng chứng chứng tỏ các hoạt động của tổ tiên họ ở Biển Đông, dù chỉ là để lại một cái tên với bất kỳ hòn đảo nào.

Biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử, và đây là quốc gia duy nhất để phát triển khu vực liên tục trong suốt quá trình lịch sử. Bởi thế, người Trung Quốc có quyền chính yếu với các đảo ở Biển Đông.

Theo chuyên gia luật người Trung Quốc Triệu Hải Lý, Trung Quốc sở hữu danh nghĩa lịch sử với các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trong phạm vi đường chín đoạn, mặc dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc.
Dù Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không đề cập cụ thể về danh nghĩa lịch sử, thì điều 15 của công ước nói: "Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác".

Người Trung Quốc đã đánh bắt và đi lại ở Biển Đông hơn 2.000 năm, và Trung Quốc đã thiết lập danh nghĩa lịch sử laai dài trước khi UNCLOS có hiệu lực. Danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, do đó cần được tôn trọng.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường chữ U ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã không phản đối nó cũng như không phản đối các nước láng giềng chống lại nó. Thay vào đó, đường chín đoạn là một phần của những bản đồ mà họ xuất bản, phản ánh sự chấp thuận của họ về chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của đường chín đoạn, nhưng yêu cầu của họ không hợp lý.

Sau khi UNCLOS được thông qua, công ước này thực sự quan trọng để giải thích một cách thích hợp và khoa học về đường chữ U. Nhưng đường chữ U đã hình thành từ lâu trước khi UNCLOS có hiệu lực, và việc sử dụng công ước để quyết định liệu đường chín đoạn được thiết lập từ lâu là hợp lý hay phủ nhận sự hợp pháp của nó thực tế là đã phản đối lịch sử.
Tất cả các nước ký UNCLOS nên hiểu rằng, công ước chỉ là một trong các luật pháp về biển của quốc tế (vốn không chỉ có một) và vì thế nên ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc.

* Tác giả là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Thụy Phương (Theo China Daily)”
31-7-2011
Nguyễn Duy Xuân
------------------
*****


»» xem thêm

Chùm ảnh: Thoát chết thần kỳ từ máy bay bị gãy đôi

Nguồn: SGTT.VN

SGTT.VN - Một vụ tai nạn hy hữu trong ngành hàng không thế giới: máy bay bị gãy đôi khi tiếp đất, nhưng 163 người trên khoang không ai thiệt mạng, chỉ có một hành khách bị gãy chân. 

Chuyến bay BW-523 của hãng hàng không Caribbean Airlines (của đảo quốc Trinidad & Tobago, khu vực Caribbe) cất cánh từ New York lúc chiều 29.7 bay đến Guyana ở Nam Mỹ, khi đáp xuống sân bay Cheddi Jagan tại thủ đô Georgetown lúc 1g32 phút sáng 30.7 (khoảng 12g32 ngày 30.7 Việt Nam) đã gặp trục trặc, trượt dài trên đường băng và đâm vào một hàng rào. Tai nạn khiến chiếc máy bay Boeing 737-800 này gãy làm đôi. May mắn là chỉ có một hành khách bị gãy chân, vài người bị thương nhẹ.

“Thật khủng khiếp, xin cảm ơn Chúa”, một hành khách nữ nói với Reuters sau vụ này. Còn tổng thống Guyana, ông Bharrat Jagdeo phát biểu tại sân bay: "Chúng tôi rất biết ơn và mừng là không có ai thiệt mạng”.

Loại máy bay Boeing 737 đi vào hoạt động từ năm 1996, đến nay đã có 8 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng máy bay này khiến 525 người thiệt mạng, theo trung tâm nghiên cứu an toàn hàng không (FSF, Mỹ).

Chùm ảnh máy bay bị gãy làm đôi khi đáp xuống sân bay Cheddi Jagan, Guyana. Nguồn: Reuters
Vụ việc xảy ra lúc rạng sáng 30.7 (giờ địa phương, khoảng giữa trưa 30.7 giờ Việt Nam) khi chiếc máy bay này từ New York bay đến Guyana, lúc tiếp đất đã mất điều khiển, máy bay đâm vào hàng rào, gãy làm đôi.
Hành khách sau giây phút hoảng loạn đã theo lối thoát hiểm trượt khỏi máy bay.
Nhiều người xem đây là một sự kiện hy hữu khi máy bay bị gãy đôi nhưng không có ai thiệt mạng.
Các nhà điều tra từ Mỹ đã đến Guyana để phối hợp tìm kiếm hộp đen của máy bay.
Sân bay Cheddi Jagan sau đó phải đóng cửa vài giờ để khắc phục sự cố.
Loại máy bay Boeing 737 đi vào hoạt động từ 1996, đến nay đã có 8 vụ tai nạn liên quan dòng máy bay này.
------------------
*****


»» xem thêm

Đánh bại các tranh chấp ở Biển Đông

Nguồn: Ba Sàm
Đăng bởi basamnews on 31.07.2011
Mark Valencia
Ngày 29-7-2011
Bản hướng dẫn mà các bên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN đều tán thành là sự khởi đầu tốt đẹp cho việc giải quyết tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tuần qua, trước sự chứng kiến của thế giới, một cảm xúc lạc quan đã phảng phất trong các cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Bali.

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nhất trí về “bản hướng dẫn” thực thi Tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà trước kia họ từng tán thành. Một số thành viên, kể cả Trung Quốc, ca ngợi sự kiện này như thể đó là một bước đột phá. Nhưng các bên khác thì đồng ý với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng: “Đây là một bước quan trọng, nhưng chỉ là bước đầu tiên”, ASEAN và Trung Quốc nên hành động nhanh hơn – thậm chí là khẩn cấp hơn – để đạt được một bộ quy tắc ứng xử thật sự.

Đúng là bản hướng dẫn đã hé lộ nhiều điều từ những gì nó không nói ra hơn là từ những gì nó nói ra. Quả thật, nó thiếu các quy định cụ thể, thiếu thời gian biểu và thiếu tính bắt buộc thi hành. Nó không cụ thể hóa nội dung tranh chấp giữa các bên, và tâm điểm mà nó hướng tới trên thực tế là các vấn đề an ninh phi truyền thống như bảo vệ môi trường, khoa học hàng hải và tội phạm xuyên quốc gia. Rõ ràng rất khó đạt được thỏa thuận; do vậy nó chung chung, mơ hồ, nhấn mạnh vào việc xây dựng niềm tin, và còn nhiều lỗ hổng.

Kỳ vọng cao một cách phi lý, và vì thế đứng từ góc độ ấy, bản hướng dẫn rất dễ bị phê phán. Tuy vậy, quá trình đàm phán để dẫn đến cái kết cục không công bằng – hay ít nhất cũng quá vội vã này – cho thấy một cách rõ ràng nhất cách ứng xử của ASEAN và các nước có yêu sách chủ quyền. Có rất nhiều điều còn cần đánh dấu hỏi: ASEAN và Trung Quốc cần chứng tỏ rằng họ có thể ít nhiều tự mình xử lý tranh chấp trong khu vực. Và họ cũng cần đảm bảo với thế giới một lần nữa rằng biển Hoa Nam là nơi an toàn đối với mậu dịch quốc tế. Tóm lại, khả năng, độ tín nhiệm, và tính chính đáng của các diễn đàn an ninh ASEAN đang bị nghi ngờ. Người ta cũng hồ nghi về niềm hy vọng trong dài hạn về hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thay thế cho nền Hòa bình kiểu Mỹ hiện nay.

Bên trong hậu trường, các cuộc đàm phán do chủ tịch đương nhiệm của ASEAN là Indonesia chủ trì đều đạt được tiến bộ đáng kể, ghi điểm cho kỹ năng của các nhà ngoại giao tham gia vào đó. Quả thật, Indonesia đã thể hiện rằng họ có thể lãnh đạo – không chỉ giải quyết các tranh chấp khu vực, mà còn lãnh đạo toàn thể Đông Nam Á. ASEAN đã nhân nhượng một bước lớn khi họ đồng ý bỏ đi một điều khoản quy định việc xây dựng lập trường chung của ASEAN trước khi giải quyết vấn đề biển Hoa Nam với Trung Quốc. Động thái này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thuyết phục Trung Quốc tin rằng các nước có yêu sách chủ quyền khác (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) sẽ không sử dụng ASEAN để “tập hợp nhau lại”.

Trung Quốc cũng rất xứng đáng được khen ngợi. Từ lâu họ đã phản đối bản dự thảo hướng dẫn, và lần này đã nhượng bộ rất lớn khi tán thành nó. Có lẽ họ đã nhìn thấy điềm gở nào đó, và họ sợ tranh chấp sẽ đẩy ASEAN về phía Mỹ. Cho dù động cơ có là gì đi nữa, Trung Quốc cũng đã thành công với cách phát biểu và ứng xử làm giảm căng thẳng, ít nhất là vào lúc này.

Sự can đảm về chính trị và thái độ quả quyết của Việt Nam cũng được thể hiện hết cỡ – thách thức Trung Quốc từng tí một, ăn miếng trả miếng. Và Philippines cũng bộc lộ sự can đảm chính trị. Nhưng, quan trọng hơn thế là họ cho thấy rằng luật quốc tế có thể góp phần làm cho quan hệ giữa các nước trở nên công bằng hơn, chặn bước những siêu cường. Cùng nhau, với sự tham gia của Liên Hợp Quốc, họ đặt Trung Quốc vào thế phải tự vệ chính trị.

Suốt năm qua, một loạt vụ gây hấn liên quan đến tàu tuần tra Trung Quốc, cùng những phát biểu chính thức rất ôn hòa sau đó, đã gây phức tạp và lo ngại về một nước Trung Hoa “kẻ bắt nạt”. Đó là vụ cắt cáp khảo sát địa chấn của một tàu khảo sát thừa lệnh của Việt Nam, hoạt động trên vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố là thềm lục địa của mình; và vụ quấy rối một tàu khảo sát thừa lệnh Philippines; cũng như vô số những lần Trung Quốc bị buộc tội “xâm nhập” vào khu Bãi Cỏ Rong mà Philippines đã tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tồi tệ hơn, Trung Quốc phản ứng lại trước những cuộc biểu tình sôi sục ở Việt Nam và Philippines bằng việc cảnh báo rằng bất kỳ cuộc thăm dò khảo sát nào trên khu vực quần đảo Trường Sa mà không được sự chấp thuận của Trung Quốc thì đều là vi phạm quyền tài phán và chủ quyền Trung Quốc. Giữa lập trường trần trụi và bao trùm của Trung Quốc với việc thực thi nó có một mối liên hệ đồng thời, và điều ấy làm cho các nước có yêu sách chủ quyền ở ASEAN ớn lạnh xương sống. Điều ấy cũng thu hút sự chú ý của Mỹ. Hoa Kỳ đã từng đối đầu Trung Quốc và đã khôn ngoan tóm gọn toàn bộ cuộc tranh chấp và những nỗi lo ngại về nó thành vấn đề “tự do hàng hải”, thông qua bài diễn văn của bà Clinton tại hội nghị ARF tháng 7 năm ngoái ở Hà Nội. Hoa Kỳ chỉ tỏ ý là họ rất vui được giúp đỡ, ít nhất là bằng lời nói và bằng những tín hiệu mà chỉ giới quân sự hiểu.

Việt Nam phản ứng trước những hành động của Trung Quốc một cách tương đương, bằng những luận điệu cay độc và các cuộc tập trận đáp lại Trung Quốc. Philippines cũng đã đạp đổ hết các “luật lệ” của Trung Quốc. Họ quốc tế hóa vấn đề, kêu gọi cả Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ tham gia giúp đỡ. Họ công khai hóa vấn đề, hé lộ nhiều chi tiết về các cuộc đàm phán. Và họ thách thức yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc với việc đề xuất rằng vấn đề quyền tài phán phải được quyết định thông qua một tiến trình phân xử của trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), điều ước mà cả hai bên đều đã phê chuẩn.

Năm vừa qua cũng được coi là đã có những cuộc đàm phán nhằm biến DOC thành một bộ quy tắc chính thức, có tính ràng buộc về mặt pháp lý và có thể thực thi. Nhưng trong thời gian tiến tới các cuộc họp thượng đỉnh, tình hình có vẻ chắc chắn sẽ xấu đi, trước khi có tiến triển nào. Các công ty dầu phương Tây vẫn lên kế hoạch cho nhiều cuộc khảo sát hơn nữa, được sự đồng ý của Việt Nam và Philippines, thậm chí họ có kế hoạch khoan thăm dò tại các khu vực Trung Quốc đã ra yêu sách đòi chủ quyền. Clinton cảnh báo rằng các vấn đề không được giải quyết sẽ đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này và trong lúc căng thẳng chính trị gia tăng, kết quả tích cực của diễn đàn đã làm người ta thấy hy vọng. Đang có sự dịch chuyển theo đúng hướng – cho dù là sự thay đổi đó nhỏ bé và mong manh. Tất nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều bước cần thiết để có thể thật sự dẹp yên các tranh chấp kiểu chim Phượng Hoàng này. Nhưng các kịch bản thay thế thì quá rắc rối và sẽ thật mệt nếu phải dự đoán. Mặc dù sản phẩm hiện thời có thể không hoàn hảo và chưa được hoàn thành, nhưng cuộc khủng hoảng đã mang lại cho nhiều nước liên quan những điều tốt đẹp nhất. Điều đó báo trước những tín hiệu lạc quan trong việc giải quyết tranh chấp, cũng như tín hiệu lạc quan trong tương lai của châu Á.

Mark Valencia là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Văn phòng nghiên cứu Quốc gia về châu Á.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
------------------
*****


»» xem thêm

Trung Quốc thách thức trật tự hàng hải thế giới?

Nguồn: baodatviet.vn
 
Cập nhật lúc :11:01 PM, 30/07/2011
 
"Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược phát triển song song cả 2 mặt thế và lực, nhằm tăng cường sức mạnh trên biển. Các nước phương Tây chớ có coi thường".
Ông Robert C. O'Brien
Dưới đây là bài phân tích chi tiết về vấn đề này của ông Robert C. O'Brien – một chuyên gia luật uy tín, một nhà phân tích chính trị, người từng đại diện cho Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hiện là quản lý đối tác của văn phòng công ty luật Arent Fox tại Los Angeles.


Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong vài thập kỉ qua, khi các nước phương Tây “mải mê chinh chiến” với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Trung Á, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng sức mạnh hàng hải ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một cách nhanh chóng và ấn tượng.

Trong nhiều năm liền, Trung Quốc tập trung ngân sách quân sự cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Tháng tới, Trung Quốc sẽ ra mắt tàu sân bay đầu tiên. Điều này khiến thế giới, đặc biệt là các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á lưu ý và đặt ra câu hỏi liệu nhiều thứ sẽ thay đổi chóng mặt như thế nào.

Quốc gia đông dân này có tham vọng hàng hải to lớn. Không muốn chúng chỉ là giấc mộng, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực chưa từng thấy kể từ sau khi Hoàng đế Đức Wilhelm II thành lập hạm đội High Seas – một hành động bước ngoặt, mang tính thách thức hải quân Anh vào thế kỉ trước.

Hai hướng mũi nhọn trong chiến lược biển của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách hạn chế sự can thiệp của các cường quốc hàng hải, trong đó có Mỹ ở vùng Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).

Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thiết lập một sức mạnh biển theo cách tương tự Mỹ đã làm ở vùng Caribe vào thế kỉ 20, từ đó có thể triển khai hoạt động hải quân trên toàn cầu.

Bên cạnh đó quốc gia này sẽ tìm cách thống trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và các quần đảo tranh chấp như Trường Sa và chuỗi đảo Senkaku. Đồng thời đại lục cũng muốn thu hồi Đài Loan một cách “nhẹ nhàng”, trong trường hơn cần thiết, phải dùng đến vũ lực thì cũng không bị Mỹ can thiệp.

Suốt hơn một thập kỉ qua, Trung Quốc luôn tìm cách đối đầu, quấy rối các tàu dân sự, quân sự của Mỹ và các nước châu Á. Điều này chứng tỏ quyết tâm theo đuổi những mục tiêu trên của Trung Quốc chưa bao giờ suy giảm.

Mũi nhọn thứ hai trong chiến lược biển của Trung Quốc là tìm kiếm uy tín quốc tế và phô trương tiềm lực ở các tuyến đường trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một nguyên nhân sâu xa của hành động này là vì nền kinh tế phát triển bùng nổ khiến Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào khoáng sản và dầu lửa nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông.

Giờ đây, Trung Quốc không muốn chỉ ngồi một chỗ “trông chờ” các cường quốc khác bảo vệ eo biển Malacca và các tuyến đường biển ở Thái Bình Dương nữa mà muốn tự mình chịu trách nhiệm.

Dành nhiều tiền cho vũ khí hơn quân nhân

Năm nay (2011), Trung Quốc dự định chi cho quân sự 91,5 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 14,6 tỷ USD vào năm 2000. Quốc gia này cũng thừa nhận 1/3 khoản tiền khổng lồ này là dành cho hải quân.

Tuy nhiên, chắc chắn những con số này đã được nói giảm đi nhiều. Trung Quốc vốn nổi danh thiếu minh bạch trong chi phí quốc phòng, các nhà phân tích tin rằng con số thực tế còn lớn hơn những gì đã công khai.

Số tiền Trung Quốc chi trả cho binh lính, thủy thủ, phi công chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách. Trái lại, ở các nước phương Tây, tiền lương, trợ cấp, lương hưu lại khoản chi lớn nhất.

Chính điều khác biệt này cho phép Trung Quốc dành nhiều tiền hơn vào hệ thống vũ khí. Không giống như các nước phương Tây vốn đang phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục chi “mạnh tay” hơn trong những năm tới.

Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phòng vệ dựa trên hai nền tảng xương sống là tên lửa chống hạm Đông Phong 21 (DF – 21D) – được coi như “sát thủ tàu sân bay” cùng với một hạm đội tàu ngầm tấn cống hiện đại và mở rộng.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Robert F. Willard – đã mô tả về DF 21- D đang ở giai đoạn đầu phát triển khả năng hoạt động, tức là nó có thể hoạt động nhưng không nhất thiết được triển khai.

Các nguồn tin từ Đài Loan cho hay, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 20 tên lửa chống hạm. Cho dù đưa vào sử dụng trong thời điểm hiện tại hay tương lai gần, Hải quân Mỹ tin rằng Trung Quốc có khả năng do thám, giám sát, điều khiển từ trên không để kiểm soát mặt đất, hỗ trợ DF-21 hoạt động dễ dàng.

Trung Quốc cũng đã sử dụng "dàn cảm biến phi không gian" (có thể là các loại UAV >> chi tiết) để cung cấp thông tin về mục tiêu cho các tên lửa chống hạm. Với tầm bắn 2.600km như trong báo cáo gần đây, loại tên lửa này sẽ khiến cho tàu các nước khác bất an khi hoạt động gần đại lục.

Chương trình tàu ngầm của Trung Quốc được phát triển mạnh mẽ. Gần như suốt thời kì Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Trung Quốc chủ yếu là từ thời Liên Xô, rất lạc hậu.

Trong những năm 1990, Trung Quốc đã mua tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Kilo của Nga và đã từ đó đến nay đã tung ra hai tàu ngầm tấn công điện – diesel lớp Tống (Song) tự chế. Không chỉ có vậy, quốc gia này còn phát triển và hạ thủy tàu tấn công điện – diesel lớp Nguyên (Yuan) công nghệ cao.

Các chuyên ra phân tích cho rằng, trong vài năm tới Trung Quốc cũng sẽ triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Thương (Shang) nhằm củng cố thêm sức mạnh của hạm đội tàu ngầm.

Chắc chắn Trung Quốc đã “đánh hơi” khả năng tiêu diệt tàu ngầm của Mỹ suy yếu đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cho nên mới có một loạt động thái như trên.

Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, thú hút được sự chú ý của thế giới.

Tàu Thi Lang vốn là tàu Varyag mua lại từ Ukraina hiện đang được sửa chữa và sẽ hạ thủy trong thời gian sắp tới. Con tàu có nguồn gốc từ Liên Xô này lớn hơn các tàu sân bay châu Âu nhưng lại nhỏ hơn 1/3 so với các tàu lớp Nimitz của Mỹ.

Trung Quốc đã công khai xác nhận đang chế tạo một tàu sân bay nội địa lớn hơn và có thể sẽ cho hạ thủy vào năm 2014. Đồng thời, quốc gia này cũng lên kế hoạch về một tàu sân bay thứ 3 chạy bằng năng lượng thường và 2 tàu sân bay khác chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ba con tàu này hiện vẫn nằm trên bản vẽ và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Trung Quốc sẽ sử dụng các máy bay tiêm kích trên hạm là J-15 Flying Shark (Cá mập bay) mà năng lực có thể sánh với F-14 Tomcat đã về hưu của hải quân Mỹ. Loại chiến cơ này có nhiều điểm giới hạn do được chuyên chở trên tàu sân bay. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học công nghệ cùng hệ thống máy phóng lắp trên tàu, trong tương lai Trung Quốc có thể đưa J-15 theo kịp chiến đấu cơ F-18 Super Horner của Mỹ.

Quốc gia tham vọng này có thể đã phát triển các máy bay chỉ huy và kiểm soát trên không AWACS và hệ thống cảnh báo trên tàu sân bay. Trên mạng internet hồi tháng 5/2011 đã xuất hiện một bức ảnh cho thấy một góc mô hình chiếc AWACS nhỏ dựa trên E-2 Hawkeye và Yak-44 – thiết kế của Liên Xô.

Nhìn nhận chương trình hàng không mẫu hạm của Trung Quốc với việc tàu USS Enterprise “về hưu", Mỹ sẽ có 10 tàu sân bay để thực thi các cam kết trên khắp thế giới, Trung Quốc có thể có 5 tàu sân bay ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng chú ý đến J-20 Black Silk - chiến đấu cơ tàng hình, hai động cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Chiến cơ này lớn hơn F-22 Raptor của Không lực Mỹ và có thể ngang bằng về khả năng chiến đấu (dù một số nhà quan sát Mỹ cho rằng nó giống với F-35 Joint Strike Fighter hơn, nhưng không tinh vi bằng).

Mẫu nghiên cứu của J-20 đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài khoảng 15 phút hồi tháng 1/2011 từ một sân bay ở tây nam Thành Đô. Hoạt động này diễn ra cũng thời điểm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó – ông Robert Gate có cuộc gặp gỡ với chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh. Sự kiện này đã phát đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ, đồng thời chiếc J-20 cũng trở thành tâm điểm của những bản tin thời sự tối trên khắp thế giới.

Nhiều người tin rằng con đường chế tạo J-20 một phần là thông qua việc thu gom các mảnh vỡ từ chiếc F-117 Night Hawk của Mỹ bị bắn rơi ở Serbia và đánh cắp thông tin trên mạng về các máy bay tiêm kích tấn công hỗn hợp từ tay các nhà thầu quốc phòng Mỹ. (Các nhà lập kế hoạch Mỹ cũng cho rằng các kĩ sư Trung Quốc đã tìm hiều phần đuôi cánh quạt của chiếc trực thăng tàng hình bị bỏ rơi trong các cuộc tấn công Osama Binladen ở Pakistan).

Những thành tựu nhanh chóng và to lớn của Trung Quốc về quốc phòng đã khiến các nhà quan sát phương Tây ngạc nhiên. Rõ ràng trước đây, họ luôn đánh giá thấp về sức mạnh cũng như quyết tâm vươn lên của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân.

Thế nhưng giờ đây cần nhìn nhận rõ ràng rằng, trật tự hàng hải mà hải quân Anh – Mỹ thống trị suốt hơn 200 năm qua đang có những thách thức mới do Trung Quốc gây ra. Phản ứng của Mỹ trước thách thức này sẽ quyết định đến cán cân quyền lực ở châu Á Thái Bình Dương trong phần còn lại của thế kỷ.
Hoàng Thảo (theo The Diplomat)
------------------
*****


»» xem thêm

Tìm kiếm Blog này